Thanh toán là quyền lợi cũng như nghĩa vụ cơ bản của 2 bên trong hoạt động mua bán hàng hóa quốc tế. Chính vì vậy các bên đều muốn lựa chọn phương thức thanh toán có lợi nhất dành cho mình. Vậy có các phương thức thanh toán quốc tế trong xuất nhập khẩu nào phổ biến hiện nay? Phương thức thanh toán quốc tế an toàn nhất hiện nay? Cùng theo dõi bài viết dưới đây để tìm hiểu thêm về các phương thức thanh toán trong xuất nhập khẩu nhé!
Khái niệm thanh toán quốc tế là gì?
Thanh toán quốc tế là thanh toán giữa các bên tham gia vào hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế hoặc hợp đồng dịch vụ có yếu tố nước ngoài. Hoạt động thanh toán quốc tế được thực hiện chủ yếu bởi hệ thống các ngân hàng và gắn liền với việc đổi tiền theo thị giá ngoại hối.
Đặc điểm của phương thức thanh toán quốc tế
So với thanh toán nội thương, thanh toán ngoại thương hay thanh toán quốc tế có một số đặc điểm chính như sau:
- Hoạt động thanh toán quốc tế chịu sự điều chỉnh của luật pháp và các tập quán quốc tế: Bởi vì hoạt động thanh toán quốc tế liên quan trực tiếp tới các chủ thể ở hai hay nhiều quốc gia. Chính vì vậy, khi tham gia vào hoạt động thanh toán quốc tế thì các chủ thể này không những chịu sự điều chỉnh của luật quốc gia. Mà bên cạnh đó còn phải tuân thủ theo các văn bản pháp lý quốc tế.
- Trong thanh toán quốc tế, tiền mặt hầu như không được sử dụng trực tiếp mà dùng bằng các phương tiện thanh toán: Một số phương tiện thường được sử dụng trong hoạt động thanh toán quốc tế như hối phiếu, kỳ phiếu và séc.
- Trong thanh toán quốc tế, có ít nhất một trong hai bên có liên quan đến ngoại tệ: Do có liên quan đến ngoại tệ. Chính vì thế nên hoạt động thanh toán quốc tế sẽ chịu ảnh hưởng trực tiếp của tỷ giá hối đoái. Ngoài ra các vấn đề quản lý dự trữ ngoại hối của quốc gia cũng có ảnh hưởng tới hoạt động thanh toán quốc tế.
- Ngôn ngữ sử dụng trong thanh toán quốc tế chủ yếu sẽ là tiếng Anh.
- Giải quyết tranh chấp giữa 2 bên chủ yếu bằng luật quốc tế.
- Hoạt động thanh toán quốc tế được thực hiện phần lớn thông qua hệ thống ngân hàng: Ngoại từ một số lượng hàng hóa rất nhỏ trong xuất nhập khẩu được mua bán qua con đường tiểu ngạch. Thì hầu hết kim ngạch xuất nhập khẩu của một quốc gia sẽ được phản ánh thông qua doanh số thanh toán quốc tế của hệ thống ngân hàng thương mại.
Vai trò của thanh toán quốc tế trong xuất nhập khẩu
Thanh toán quốc tế là yếu tố đóng vai trò quan trọng không thể thiếu trong hoạt động xuất nhập khẩu.
- Đây là khâu quan trọng của giao dịch mua bán hàng hóa, dịch vụ giữa các cá nhân, tổ chức thuộc các quốc gia khác nhau.
- Thanh toán quốc tế góp phần giải quyết mối quan hệ giữa hàng hóa và tiền tệ. Và từ đó tạo nên sự liên tục của quá trình sản xuất. Cũng như đẩy nhanh quá trình lưu thông hàng hóa trên phạm vi quốc tế.
- Nếu hoạt động thanh toán quốc tế được tiến hành nhanh chóng, thuận lợi, an toàn sẽ khiến cho quan hệ lưu thông hàng hoá tiền tệ giữa người mua và người bán diễn ra trôi chảy hơn.
- Ngoài ra thì thanh toán quốc tế còn làm tăng cường các mối quan hệ giao lưu kinh tế giữa các quốc gia.
Các phương thức thanh toán quốc tế trong xuất nhập khẩu
4.1. Phương thức nhờ thu (Collection)
a. Khái niệm
Là phương thức thanh toán mà trong đó, các ngân hàng sẽ xử lý những chứng từ như chứng từ tài chính hoặc chứng từ thương mại theo đúng chỉ thị nhờ thu. Với mục đích chính là nhằm:
- Thanh toán ngay
- Chấp nhận thanh toán
- Thanh toán/chấp nhận kèm theo các điều khoản và điều kiện khác.
b. Đặc điểm
- Ngân hàng chỉ đóng vai trò trung gian kiểm soát bộ chứng từ và thu hộ tiền theo chỉ thị.
- Ngân hàng không có cam kết thanh toán với người hưởng loại và cũng không có trách nhiệm kiểm tra chứng từ.
- Chi phí cao hơn so với phương thức TTR nhưng thấp hơn thanh toán L/C.
c. Phân loại
- Phương thức nhờ thu trơn: Nhờ thu trơn là phương thức mà người bán nhờ ngân hàng thu hộ tiền trên tờ hối phiếu ở người mua. Trong đó bộ chứng từ nhờ thu sẽ bao gồm chứng từ tài chính. Còn đối với các chứng từ thương mại thì sẽ được gửi trực tiếp cho người nhập khẩu không thông qua ngân hàng.
- Phương thức nhờ thu chứng từ: Phương thức nhờ thu chứng từ là việc thực hiện nhờ thu các chứng từ thương mại có hoặc không kèm theo với những chứng từ tài chính.
d. Các bên tham gia
- Người uỷ nhiệm thu (Principal): Là người xuất khẩu, người hưởng lợi – Những người yêu cầu ngân hàng phục vụ mình thu hộ tiền.
- Người trả tiền (Drawee): Là đối tượng mà nhờ thu được xuất trình để thanh toán hay chấp nhận thanh toán. Người trả tiền trong ngoại thương thường là người nhập khẩu.
- Ngân hàng nhờ thu – Remitting Bank (hay còn gọi là ngân hàng nhận uỷ nhiệm thu): Là ngân hàng phục vụ người xuất khẩu.
- Ngân hàng thu hộ (Collecting Bank): Là ngân hàng phục vụ cho người nhập khẩu. Thông thường, đây sẽ là ngân hàng đại lý hay chi nhánh của ngân hàng nhờ thu có trụ sở tại nước người trả tiền.
e. Quy trình nhờ thu
- Nhà nhập khẩu và nhà xuất khẩu tiến hành ký kết hợp đồng ngoại thương trong đó có quy định thanh toán bằng nhờ thu.
- Nhà xuất khẩu thực hiện nghĩa vụ theo đúng hợp đồng ngoại thương.
- Nhà xuất khẩu lập và gửi yêu cầu thu hộ và bộ chứng từ đề nghị ngân hàng của mình thu hộ tiền.
- Ngân hàng nhờ thu chuyển tiếp yêu cầu thu hộ cho ngân hàng của nhà nhập khẩu.
- Ngân hàng thu hộ thông báo cho nhà nhập khẩu và yêu cầu nhà nhập khẩu thực hiện các điều kiện nhờ thu.
- Người nhập khẩu có thể lựa chọn thanh toán ngay hoặc từ chối.
f. Trường hợp áp dụng
Nên áp dụng phương thức thanh toán này trong trường hợp người nhập khẩu – người xuất khẩu là khách hàng tin tưởng, đã có mối quan hệ gắn bó lâu dài từ trước. Không nên áp dụng trong giao dịch mua bán lần đầu.
Tìm hiểu thêm: PHƯƠNG THỨC THANH TOÁN NHỜ THU ( COLLECTION OF PAYMENT)
4.2. Phương thức ghi sổ (Open account)
Một trong các phương thức thanh toán quốc tế phổ biến hiện nay không thể không kể tới phương thức ghi số. Theo đó đây là phương thức thanh toán mà người bán mở một tài khoản để ghi nợ. Người nhập khẩu sẽ có trách nhiệm trả tiền cho người xuất khẩu vào thời điểm xác định trong tương lai. Phương thức này chỉ thuận tiện và an toàn trong trường hợp cả người mua và người bán thực sự tin cậy lẫn nhau, đã mua bán hàng nhiều lần và người mua có uy tín trong thanh toán.
Quy trình thực hiện phương thức ghi sổ:
- Nhà xuất khẩu hàng hóa/dịch vụ gửi chứng từ cho nhà nhập khẩu nhận hàng.
- Nhà xuất khẩu tiến hành ghi nợ vào tài khoản và báo nợ trực tiếp cho nhà nhập khẩu.
- Định kỳ thanh toán (tháng, quý hoặc nửa năm), nhà nhập khẩu cần chuyển tiền qua ngân hàng thanh toán cho nhà xuất khẩu.
Để hạn chế rủi ro, phương thức ghi sổ chỉ nên áp dụng khi cả hai bên là bạn hàng có mối quan hệ làm ăn lâu dài, thực sự tin tưởng lẫn nhau. Và ngoài ra, các bên có thể áp dụng biện pháp như bảo lãnh ngân hàng, thư tín dụng dự phòng, đặt cọc,…để đảm bảo an toàn và hạn chế được những rủi ro.
4.3. Phương thức chuyển tiền (Remittance)
a. Khái niệm
Chuyển tiền là một trong các phương thức thanh toán quốc tế phổ biến hiện nay. Theo đó đây là phương thức mà một khách hàng (có thể là người trả tiền, người mua, người nhập khẩu…) yêu cầu ngân hàng phục vụ mình chuyển một số tiền nhất định nào đó cho người hưởng lợi (người cung ứng dịch vụ, người bán, người xuất khẩu…) tại một địa điểm nhất định.
b. Đặc điểm
- Ngân hàng không cam kết thanh toán mà chỉ cung cấp dịch vụ theo yêu cầu của khách hàng;
- Là phương thức thanh toán đơn giản, nhanh gọn, tiết kiệm chi phí nhất trong các phương thức thanh toán phổ biến hiện nay;
c. Các bên tham gia trong phương thức chuyển tiền
- Người chuyển tiền hay người trả tiền (Remitter): Thông thường sẽ là người nhập khẩu, người mua hàng, người mắc nợ, nhà đầu tư, người chuyển kiều hối…
- Người thụ hưởng (Beneficiary): Thường là người xuất khẩu, chủ nợ, người nhận vốn đầu tư, người nhận kiều hối… sẽ do người chuyển tiền chỉ định.
- Ngân hàng chuyển tiền (Remitting Bank): Là ngân hàng phục vụ cho người chuyển tiền.
- Ngân hàng trả tiền (Paying Bank): Là ngân hàng trả tiền cho người thụ hưởng, là ngân hàng đại lý hay cũng có thể là chi nhánh của ngân hàng chuyển tiền.
d. Quy trình chuyển tiền
- Người mua và người bán (Nhà xuất khẩu và nhà nhập khẩu) tiến hành ký kết hợp đồng mua bán ngoại thương.
- Người bán – người thụ hưởng giao hàng hóa và toàn bộ bộ chứng từ liên quan tới hàng hóa cho người mua.
- Người chuyển tiền điền vào giấy yêu cầu chuyển tiền (theo mẫu của ngân hàng) ủy nhiệm cho ngân hàng chuyển một số tiền nhất định cho người thụ hưởng.
- Ngân hàng được ủy nhiệm chuyển tiền thực hiện việc chuyển tiền tới ngân hàng của người thụ hưởng – ngân hàng đại lý hoặc có thể chi nhánh của ngân hàng chuyển tiền.
- Ngân hàng của người thụ hưởng tiến hành ghi có tài khoản cho người thụ hưởng.
e. Trường hợp áp dụng
Thường được áp dụng đối với các bên mua và bán đã có mối quan hệ lâu năm, có lịch sử thanh toán tốt.
4.4. Phương thức thanh toán thư tín dụng (L/C)
a. Khái niệm
Thanh toán thư tín dụng là cam kết chắc chắn thanh toán, không hủy ngang của ngân hàng phát hành đối với người hưởng lợi. Với điều kiện là người hưởng lợi phải xuất trình bộ chứng từ phù hợp với điều kiện, điều khoản của L/C và tập quán quốc tế mà L/C quy định.
b. Đặc điểm
- L/C là hợp đồng kinh tế hoàn toàn độc lập so với hợp đồng và hàng hóa.
- Là phương thức thanh toán phức tạp và có mức chi phí cao nhất trong tất cả các phương thức thanh toán quốc tế.
- L/C là công cụ thanh toán hạn chế được nhiều rủi ro. Và dung hòa được lợi ích giữa các bên tham gia giao dịch.
c. Các bên tham gia
- Người xin mở thư tín dụng (The application for the credit): Là nhà nhập khẩu, người mua;
- Ngân hàng phát hành (The issuing/Opening bank): Là ngân hàng dịch vụ của đơn vị nhập khẩu;
- Người hưởng lợi thư tín dụng (The beneficiary): Là người bán, người xuất khẩu hoặc cũng có thể là người khác do người xuất khẩu chỉ định;
- Ngân hàng thông báo (The advising bank): Là ngân hàng phục vụ người xuất khẩu. Đây thường là ngân hàng đại lý của ngân hàng mở thư tín dụng có trụ sở ở nước ngoài xuất khẩu.
d. Quy trình thanh toán của phương thức L/C
- Nhà xuất khẩu và nhà nhập khẩu tiến hành ký kết hợp đồng ngoại thương, trong đó có quy định về phương thức thanh toán L/C;
- Nhà nhập khẩu gửi đơn yêu cầu mở L/C tới ngân hàng phát hành;
- Ngân hàng phát hành phát hành L/C và gửi cho người hưởng lợi thông qua ngân hàng thông báo;
- Ngân hàng thông báo thông báo L/C và chuyển bản gốc cho người hưởng lợi;
- Người hưởng lợi kiểm tra kỹ các thông tin có trên L/C. Nếu đồng ý thì sẽ tiến hàng giao hàng và xuất trình bộ chứng từ đòi tiền ngân hàng phát hành;
- Ngân hàng xuất trình chứng từ đòi tiền ngân hàng phát hành;
- Ngân hàng phát hành kiểm tra chứng từ và thông báo kết quả tới nhà nhập khẩu;
- Nếu bộ chứng từ phù hợp thì nhà nhập khẩu thanh toán tiền hàng. Trong trường hợp bộ chứng từ có lỗi thì có thể từ chối thanh toán.
e. Trường hợp áp dụng
Phương thức thanh toán quốc tế L/C thường được sử dụng khi các bên mới giao dịch, chưa có sự tin tưởng lẫn nhau.
4.5. Bảo lãnh và tín dụng dự phòng
Bảo lãnh là việc người thứ ba (người bảo lãnh) cam kết sẽ thực hiện nghĩa vụ thay cho bên có nghĩa vụ (người được bảo lãnh) với bên có quyền (người nhận bảo lãnh) nếu khi đến thời hạn mà người được bảo lãnh không thực hiện hoặc thực hiện không đúng những nghĩa vụ đã thỏa thuận.
Thư tín dụng dự phòng là cam kết không hủy ngang bằng văn bản ràng buộc khi được phát hành. Trong đó người phát hành cam kết với người thụ hưởng thanh toán chứng từ xuất trình trên bề mặt phù hợp với những điều khoản và điều kiện của thư tín dụng dự phòng theo đúng với nguyên tắc. Người phát phải có nghĩa vụ thanh toán chứng từ xuất trình bằng việc chuyển tiền theo phương thức trả tiền ngay. Hoặc có thể chấp nhận hối phiếu của người thụ hưởng. Ngoài ra cũng có thể cam kết trả tiền sau hoặc chiết khấu.
Bảo lãnh hoặc thư tín dụng dự phòng được sử dụng kết hợp với các phương thức thanh toán khác để tăng độ an toàn cho các bên. Do vậy, trong các giao dịch mua bán hàng hóa quốc tế, đặc biệt đối với các hàng hóa có giá trị lớn như máy móc, thiết bị các bên cũng nên xem xét và áp dụng các biện pháp bảo lãnh hoặc thư tín dụng dự phòng.
Trên đây là bật mí các phương thức thanh toán quốc tế phổ biến hiện nay mà chúng tôi muốn chia sẻ tới bạn đọc. Hy vọng qua những chia sẻ ở bài viết mang tới cho bạn đọc nhiều thông tin bổ ích để từ đó có những giao dịch trong hoạt động ngoại thương an toàn, tránh rủi ro và có lợi nhất.
Tham khảo thêm : Thanh toán CAD là gì?
Nội dung này có hữu ích với bạn không?
Bấm vào một ngôi sao để đánh giá nó!
Đánh giá trung bình / 5. Số đánh giá:
Không có phiếu bầu nào cho đến nay! Hãy là người đầu tiên đánh giá bài viết này.