Trong quá trình xuất nhập khẩu hàng hóa, rủi ro là điều mà không ai có thể đoán trước được. Rủi ro có thể xuất hiện bất cứ lúc nào, bất kỳ đâu. Vì vậy hiện nay, để hạn chế tối đa những rủi ro và tổn thất, các doanh nghiệp thường lựa chọn mua bảo hiểm hàng hóa xuất nhập khẩu. Cùng theo dõi bài viết dưới đây để được chúng tôi bật mí các điều kiện bảo hiểm hàng hóa, giá trị bảo hiểm hàng hóa xuất nhập khẩu nhé!
Bảo hiểm hàng hóa xuất nhập khẩu là gì?
Bảo hiểm hàng hóa là một cam kết bồi thường mà người bảo hiểm sẽ bồi thường cho người được bảo hiểm trong trường hợp hàng hóa vận chuyển bị tổn thất hay hư hỏng do những rủi ro gây ra. Và những rủi ro này đã được quy định rõ trong hợp đồng bảo hiểm. Để nhận được bảo hiểm, bạn sẽ phải trả một khoản phí được gọi là phí bảo hiểm.
Bảo hiểm hàng hoá xuất nhập khẩu là cam kết bồi thường của đơn vị bảo hiểm đối với hàng hóa nếu như trong quá trình vận chuyển, hàng hóa không may gặp phải những thiệt hại, mất mát. Hàng hóa được bảo hiểm trong quá trình vận tải đường biển, đường bộ, đường sắt và đường hàng không trên phạm vi toàn thế giới.
Có 5 nguyên tắc cơ bản của bảo hiểm là:
- Bảo hiểm một rủi ro chứ không bảo hiểm một sự chắc chắn
- Nguyên tắc trung thực tuyệt đối
- Nguyên tắc lợi ích
- Nguyên tắc bồi thường
- Nguyên tắc thế quyền.
Những đối tượng tham gia vào bảo hiểm hàng hóa xuất nhập khẩu gồm có:
- Người bảo hiểm: Là người thu phí bảo hiểm, nhận trách nhiệm về các rủi ro trong quá trình vận chuyển hàng hóa. Và người bảo hiểm phải là người bồi thường cho người được bảo hiểm khi có tổn thất xảy ra trong phạm vi giá trị đã được thỏa thuận từ trước. Trong thực tế, người bảo hiểm thông thường là các công ty bảo hiểm.
- Người được bảo hiểm (Insured or Insured): Hay còn được gọi là người mua bảo hiểm hoặc người trả phí bảo hiểm. Người được bảo hiểm là người chịu tổn thất khi có rủi ro xảy ra và là người được người bảo hiểm bồi thường. Trong thương mại quốc tế, người được bảo hiểm thông thường sẽ là nhà kinh doanh xuất nhập khẩu hàng hoá.
- Đối tượng bảo hiểm (subject matter insured): Là hàng hóa, tài sản hoặc lợi ích mang ra bảo hiểm. Trong hoạt động xuất nhập khẩu, đối tượng được bảo hiểm là hàng hoá xuất nhập khẩu trong quá trình vận chuyển.
- Rủi ro được bảo hiểm (risk insured against): Là những rủi ro đã được cả 2 bên thỏa thuận rõ ràng và cụ thể trong hợp đồng bảo hiểm. Người bảo hiểm chỉ có trách nhiệm bồi thường những tổn thất do các rủi ro đã thoả thuận gây ra. Thông thường, các rủi ro này sẽ được thể hiện gián tiếp thông qua các điều khoản tham chiếu đến nguồn điều chỉnh. Chứ rủi ro này không được thể hiện trực tiếp trên hợp đồng bảo hiểm.
- Phí bảo hiểm (insurance premium): Đây là khoản tiền người được bảo hiểm sẽ trả cho người bảo hiểm. Khoản tiền này không truy đòi. Điều đó có nghĩa là cho dù tổn thất không xảy ra thì người được bảo hiểm cũng sẽ không có quyền đòi lại khoản tiền này.
- Giá trị bảo hiểm (insured value): Là giá trị của đối tượng nhận được bảo hiểm.
Tại sao cần mua bảo hiểm hàng hóa xuất nhập khẩu
Bảo hiểm hàng hóa xuất nhập khẩu trong quá trình vận tải ngày càng đóng một vai trò quan trọng. Bởi lẽ bảo hiểm sẽ khắc phục những tổn thất do những rủi ro đối với hàng hoá. Vậy doanh nghiệp có cần mua bảo hiểm hàng hóa trong xuất nhập khẩu không? Câu trả lời chắc chắn là có bởi vì:
- Bảo hiểm hàng hoá đã có lịch sử từ rất lâu đời. Chính vì vậy mà trong hoạt động ngoại thương trên toàn thế giới, việc tham gia mua bảo hiểm hàng hóa xuất nhập khẩu đã trở thành một tập quán, thông lệ quốc tế.
- Thông thường, hàng hóa xuất nhập khẩu là những loại hàng hóa có giá trị cao, khối lượng lớn. Chính vì vậy, nhằm giảm bớt thiệt hại do các rủi ro, tai nạn có thể xảy ra trong quá trình vận chuyển thì việc tham gia bảo hiểm hàng hóa dường như đã trở thành một nhu cầu thiết yếu.
- Trong hợp đồng vận tải, đơn vị vận chuyển chỉ chịu trách nhiệm về tổn thất của hàng hoá theo một phạm vi và giới hạn nhất định. Trong đó, trong quá trình vận chuyển hàng hóa, chắc chắn sẽ có rất nhiều rủi ro, tai nạn các bên vận chuyển loại trừ không chịu trách nhiệm. Chính vì vậy đòi hỏi nhà kinh doanh, doanh nghiệp phải tham gia mua đơn bảo hiểm hàng hóa.
- Hàng hóa xuất nhập khẩu thường gặp nhiều rủi ro tổn thất trong quá trình vận chuyển do thiên tai, tai nạn bất ngờ gây nên như: Tàu bị mắc cạn, đâm va, đắm chìm, cháy nổ, mất cắp, cướp biển, bão tố, lốc xoáy, sóng thần….Và những rủi ro này thường đến bất ngờ, vượt quá sự kiểm soát của con người.
Các loại bảo hiểm hàng hóa xuất nhập khẩu
Tùy vào đặc điểm, tính chất mà mỗi loại hàng hóa sẽ lựa chọn phương thức vận chuyển phù hợp. Chính vì vậy nên bảo hiểm hàng hóa xuất nhập khẩu cũng được phân ra thành nhiều loại khác nhau. Căn cứ vào phương thức vận chuyển thì bảo hiểm hàng hóa xuất nhập khẩu được chia ra thành các loại bao gồm:
- Bảo hiểm hàng hóa xuất nhập khẩu bằng đường biển
- Bảo hiểm hàng hóa xuất nhập khẩu bằng đường bộ
- Bảo hiểm hàng hóa xuất nhập khẩu bằng đường sắt
- Bảo hiểm hàng hóa xuất nhập khẩu bằng đường hàng không.
Công thức tính bảo hiểm hàng hóa xuất nhập khẩu được xác định như sau:
- CIF = (C+F) / (1-R)
- I = CIF x R
Trong đó:
- I: Phí bảo hiểm
- C: Giá hàng hóa nhập khẩu (giá FOB )
- R: Tỷ lệ phí bảo hiểm
- F: Giá cước vận chuyển.
Các rủi ro và phạm vi bảo hiểm hàng hóa xuất nhập khẩu
Các rủi ro trong bảo hiểm xuất nhập khẩu
Có 3 loại rủi ro thường gặp trong bảo hiểm xuất nhập khẩu bao gồm:
Rủi ro thông thường
Là rủi ro nhận được bảo hiểm trong những điều kiện bảo hiểm hàng hóa thông thường như A, B, C. Chính vì vậy có thể nói rủi ro thông thường còn được gọi là rủi ro được bảo hiểm. Rủi ro thông thường được chia ra thành 2 loại là rủi ro chính và rủi ro phụ. Trong đó:
- Rủi ro chính: Là những rủi ro có mức độ xảy ra thường xuyên và nhận được bảo hiểm trong mọi điều kiện bảo hiểm như: Rủi ro mắc cạn, chìm đắm, cháy, mất tích,…
- Rủi ro phụ: Là những rủi ro có ít khả năng xảy ra như: Rách, vỡ, gỉ, bẹp, cong vênh, hấp hơi, va đập với hàng hóa khác,…
Rủi ro phải bảo hiểm riêng
Là những rủi ro loại trừ đối với bảo hiểm hàng hóa. Ðó là các rủi ro đặc biệt, phi hàng hải ví dụ như chiến tranh, đình công. Các rủi ro này chỉ được bảo hiểm nếu như mua riêng hoặc mua thêm. Khi chỉ mua bảo hiểm hàng hóa xuất nhập khẩu thì những rủi ro này bị loại trừ.
Rủi ro loại trừ
Là những rủi ro thường không được nhận bảo hiểm trong mọi trường hợp đối với bảo hiểm hàng hóa vận chuyển bằng đường biển. Một số rủi ro loại trừ có thể kể đến như: Buôn lậu, tịch thu, lỗi cố ý của người được bảo hiểm, mất mát/hư hỏng do nội tỳ, ẩn tỳ, tàu không đủ khả năng đi biển, bao bì đóng gói không phù hợp, tàu đi chệch hướng, chủ tàu mất khả năng tài chính,…
Phạm vi bảo hiểm hàng hóa xuất nhập
Công ty bảo hiểm nhận trách nhiệm bồi thường đối với những mất mát hay hư hỏng của hàng hóa là hậu quả gây ra bởi những rủi ro thuộc phạm vi bảo hiểm trong quá trình vận chuyển, xếp dỡ hàng hóa bằng đường biển và đường hàng không.
Quy trình mua bảo hiểm hàng hóa xuất nhập khẩu
Bên cạnh rủi ro và phạm vi bảo hiểm hàng hóa thì quy trình mua bảo hiểm hàng hóa xuất nhập khẩu như thế nào cũng được nhiều người quan tâm. Theo đó quy trình mua bảo hiểm hàng hóa thương mại cụ thể như sau:
Bước 1: Gửi yêu cầu bảo hiểm
Doanh nghiệp nếu có nhu cầu mua bảo hiểm sẽ cần liên hệ tới công ty bảo hiểm. Sau đó công ty bảo hiểm sẽ gửi lại cho doanh nghiệp muốn mua bảo hiểm giấy yêu cầu bảo hiểm. Thông thường, giấy yêu cầu bảo hiểm thường gồm các nội dung sau:
- Thông tin về người mua bảo hiểm;
- Thông tin về hàng hóa được bảo hiểm;
- Yêu cầu bảo hiểm;
- Các chứng từ đính kèm như hóa đơn thương mại, vận đơn ;
- Phần kê của công ty môi giới;
- Nghiệp vụ của công ty bảo hiểm.
Bước 2: Điền đầy đủ và chính xác các thông tin vào phiếu yêu cầu bảo hiểm
Công ty, doanh nghiệp mua bảo hiểm cần điền đầy đủ các thông tin trên phiếu yêu cầu bảo hiểm. Lưu ý là không điền vào phần kê của công ty môi giới và nghiệp vụ của công ty bảo hiểm.
Bước 3: Công ty, doanh nghiệp mua bảo hiểm cần gửi bản sao giấy yêu cầu bảo hiểm tới công ty bảo hiểm theo yêu cầu.
Bước 4: Công ty bảo hiểm gửi lại cho công ty mua bảo hiểm xuất nhập khẩu hợp đồng bảo hiểm.
Bước 5: Sau khi nhận được hợp đồng bảo hiểm, công ty mua bảo hiểm cần xem xét, đọc thật kỹ các điều khoản trong hợp đồng. Nếu đồng ý và không có bất kỳ thắc mắc nào thì sẽ xác nhận vào hợp đồng bảo hiểm.
Bước 6: Công ty mua bảo hiểm tiến hành thanh toán phí bảo hiểm.
Lưu ý khi mua bảo hiểm hàng hóa xuất nhập khẩu
Dưới đây là một số lưu ý quan trọng mà người trả phí bảo hiểm không nên bỏ lỡ khi mua bảo hiểm cho hàng hóa xuất nhập khẩu:
- Để tiết kiệm chi phí, doanh nghiệp nên lựa chọn gói bảo hiểm phù hợp với loại hàng hóa xuất nhập khẩu.
- Người mua bảo hiểm cần phải chú ý tới những điều kiện, nghĩa vụ, quyền lợi được thỏa thuận trong hợp đồng.
- Chi phí và số tiền bảo hiểm là bao nhiêu cũng là yếu tố cần được quan tâm.
- Trước khi ký kết hợp đồng bảo hiểm hàng hóa, người mua bảo hiểm cần nắm chắc kỹ các điều khoản loại trừ. Bởi lẽ mỗi gói bảo hiểm sẽ có những điểm loại trừ khác nhau.
- Bảo hiểm hàng hóa bằng đường biển thường áp dụng đối với những loại hàng hóa thông thường. Tuy nhiên sẽ không bao gồm các loại hàng hóa như than, dầu chở rời, thịt đông lạnh hay đồ đông lạnh.
- Những điều kiện trong Incoterms 2020 yêu cầu người bán phải mua bảo hiểm cho hàng hóa là: điều kiện CIP, DAP, CIF, DDU, DDP, DPU.
- Một số điều kiện trong Incoterms người mua nên mua bảo hiểm để tránh rủi ro xảy ra như là điều kiện CPT, CFR, FAS.
Trên đây là một số thông tin về bảo hiểm hàng hóa xuất nhập khẩu, bảo hiểm hàng không là gì cùng quy trình mua bảo hiểm hàng hóa mà chúng tôi muốn chia sẻ tới bạn đọc. Hy vọng qua những chia sẻ về bảo hiểm hàng hóa xuất nhập khẩu ở bài viết mang tới cho bạn đọc thật nhiều thông tin bổ ích!
Nội dung này có hữu ích với bạn không?
Bấm vào một ngôi sao để đánh giá nó!
Đánh giá trung bình / 5. Số đánh giá:
Không có phiếu bầu nào cho đến nay! Hãy là người đầu tiên đánh giá bài viết này.