Các hàng hóa của Việt Nam xuất khẩu ra nước ngoài thường phải chịu nhiều quy định của hải quan tại cảng đến để có thể hoàn thành các thủ tục thông quan. Một trong số đó chính là Fumigation Certificate (giấy chứng nhận hun trùng)? Vậy quy định này là gì? Loại hàng hóa nào cần phải thực hiện hun trùng?
Fumigation certificate là gì?
Câu hỏi về: Fumigation là gì hay Fumigation Certificate là gì nhận được nhiều sự quan tâm trong lĩnh vực xuất nhập khẩu hàng hóa. Fumigation Certificate hay được gọi là chứng nhận hun trùng và nó được cấp sau khi các hàng hóa trên tàu đã được Cơ quan kiểm dịch Y tế bơm thuốc khử côn trùng.
Fumigation (Hun trùng) là một biện pháp phun hóa chất xử lý chống mối mọt, nấm mốc hoặc các loại côn trùng gây hại cho hàng hóa làm bằng gỗ, liên quan tới gỗ, nông sản… trong quá trình vận chuyển. Loại hóa chất hun trùng này không gây hại, không ảnh hưởng tới chất lượng cũng như hình dáng, mẫu mã của các loại hàng hóa.
Fumigation Certificate là quy định bắt buộc đối với hàng hóa xuất khẩu là bởi:
- Thời gian vận chuyển hàng ra nước ngoài bằng đường biển sẽ kéo dài (từ TP. HCM đi châu Âu thường trên 25 ngày, đi Mỹ khoảng trên 18 ngày hay đi Úc mất khoảng 20 ngày).
- Với thời gian vận chuyển dài, hàng hóa chất xếp trong các Container đóng kín với nhiệt độ cao và môi trường ẩm thấp, có hơi nước sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho nấm mốc và các loại côn trùng phát triển, gây ảnh hưởng tới hàng hóa.
- Đây là quy định bảo vệ môi trường của hải quan tại các cảng đến áp dụng cho hàng hóa xuất khẩu đi châu Âu, Úc, Mỹ hay Canada … Nếu không tuân thủ quy định về việc hun trùng, hàng hóa sẽ bị trả lại hoặc đơn vị xuất khẩu sẽ phải chịu mức phạt nặng, thậm chí là bị cấm xuất khẩu tới thị trường đó.
Mặt hàng nào cần khử trùng
- Các mặt hàng có nguồn gốc hữu cơ như nông sản (tiêu, điều, cà phê…).
- Hàng hóa có nguồn gốc từ gỗ như mây tre đan, hàng thủ công mỹ nghệ, gỗ chưa qua xử lý bề mặt…
- Các hình thức bao bì, đóng gói hàng hóa xuất khẩu có liên quan tới gỗ như pallet đóng gói hàng hóa gốm sứ, các kiện gỗ đóng gói phụ tùng, máy móc thiết bị…
Nội dung và mẫu giấy Fumigation Certificate
Trên mẫu giấy chứng nhận hun trùng (Fumigation Certificate) đạt tiêu chuẩn sẽ bao gồm các nội dung như sau:
- Mô tả hàng hóa: đây là thông tin để mô tả loại hàng hóa tương đồng với vận đơn và hóa đơn của lô hàng
- Số vận đơn lô hàng
- Trọng lượng cũng như số lượng hàng hóa của lô hàng
- Loại phương tiện vận chuyển hàng và tên của nó
- Loại hóa chất dùng để hun trùng hàng hóa
- Liều lượng thuốc hun trùng (ghi rõ nội dung ví dụ như: 48 gram/m3)
- Thời gian ngấm thuốc, thuốc có tác dụng (ví dụ ghi: 48 giờ ở 26 độ C)
- Địa điểm thực hiện hun trùng : Có thể thực hiện tại nhà máy nơi đóng container hoặc hun trùng tại bãi để hàng.
- Ngày thực hiện hun trùng : ghi ngày đóng hàng xuất khẩu lên container hoặc có thể là dự kiến vài ngày trước giờ khởi hành theo thông thường.
- Thông tin họ tên, địa chỉ của người chịu trách nhiệm xác nhận hàng hóa xuất khẩu và nhập khẩu
- Thông tin về số container và số seal container…
Thủ tục cấp giấy chứng nhận hun trùng
Để được cấp giấy chứng nhận hun trùng, đơn vị xuất khẩu cần chuẩn bị bộ chứng từ cần thiết gồm: Hóa đơn thương mại, phiếu đóng gói hàng hóa, vận đơn của lô hàng.
Trong vòng 1-2 ngày sau khi hun trùng kèm theo các chứng từ trên, đơn vị xuất khẩu hàng ra nước ngoài sẽ được cấp giấy chứng nhận hun trùng do các cơ quan có chức năng, thẩm quyền cấp
Các trường hợp phát sinh khi làm Fumigation Certificate không được chấp nhận
Không hun trùng hàng hóa: Hàng hóa khi xuất đi các thị trường châu Âu, Úc, Mỹ hay Canada … nếu bị quên việc hun trùng do không nắm được quy định này hoặc lý do khác thì lô hàng sẽ bị trả lại hoặc đơn vị xuất khẩu sẽ phải chịu mức phạt nặng, thậm chí là sẽ bị cấm xuất khẩu tới thị trường đó.
Quên hun trùng hàng hóa: đây là vấn đề thường xảy ra khi gần hết thời hạn giao container cho hãng tàu (closing time). Người làm thủ tục xuất nhập khẩu chỉ tập trung vào việc làm sao container có thể được nhận và kịp xếp lên tàu mà quên thực hiện hun trùng. Việc này cũng sẽ gây hậu quả lớn, ảnh hưởng tới việc xuất hàng đi.
Hun trùng không đạt yêu cầu: Mặc dù đơn vị xuất khẩu đã thuê dịch vụ hun trùng, nhưng vẫn có trường hợp hàng hóa tới cảng đến bị yêu cầu phải hun trùng lại do chất lượng hun trùng lô hàng không đảm bảo. Mức phí phát sinh cho việc hun trùng lại thường sẽ khá cao.
Chứng thư hun trùng không được chấp nhận: Có nhiều trường hợp xuất hàng tới các thị trường: châu Âu, Úc, Mỹ… nhưng hải quan cảng đến sẽ không chấp nhận chứng nhận hun trùng của một số ít các đơn vị cung cấp dịch vụ hun trùng tại Việt Nam do chất lượng dịch vụ của các đơn vị đó có vấn đề.
Để tránh tình trạng Fumigation Certificate không được chấp nhận, đơn vị xuất khẩu Việt Nam nên tham khảo ý kiến từ các công ty giao nhận vận tải vì thường họ sẽ có các đại lý ở thị trường xuất đến để kiểm tra và xác thực thông tin.
Trên đây là bài viết chia sẻ các thông tin liên quan tới việc hun trùng. Đây là bước quan trọng khi xuất hàng hóa ra nước ngoài bởi vậy các doanh nghiệp và cá nhân cần phải đặc biệt lưu ý để tránh ảnh hưởng cũng như mất các khoản chi phí phát sinh cho lô hàng của mình.
Nội dung này có hữu ích với bạn không?
Bấm vào một ngôi sao để đánh giá nó!
Đánh giá trung bình / 5. Số đánh giá:
Không có phiếu bầu nào cho đến nay! Hãy là người đầu tiên đánh giá bài viết này.