Phí LSS là một loại phí được thu đối với vận tải đường biển. Phí được áp dụng nhằm khuyến khích việc sử dụng các loại dầu hàng hải có có hàm lượng lưu huỳnh thấp và giảm thiểu lượng khí thải lưu huỳnh thải ra môi trường. Bài viết này sẽ mang đến cho bạn đọc thông tin về phí LSS là phí gì? Mức thu là bao nhiêu và Ai phải trả loại phí này?
LSS là phí gì?
LSS là viết tắt của cụm từ tiếng Anh Low Sulphur Surcharge, ý nghĩa là phụ phí giảm thải lưu huỳnh. Phí này được áp dụng trong phương thức vận tải đường biển và đường hàng không trong hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa.
Phí này còn được các hãng tàu gọi bằng những tên khác nhau như:
- Phụ phí nhiên liệu xanh: GFS – Green Fuel Surcharge
- Phụ phí khu vực kiểm soát khí thải: ECA – Emission Control Area
- Phụ phí nhiên liệu lưu huỳnh thấp: LSF – Low Sulfur Fuel
Thông tin chi tiết về phí LSS – phụ phí giảm thải lưu huỳnh
Phương tiện vận chuyển tàu và máy bay sử dụng nhiên liệu hoạt động có hàm lượng lưu huỳnh cao. Trong quá trình chuyển đổi để tạo năng lượng cho chuyển động, các phương tiện này thải ra khí oxit SO2, SO3 có hại đến môi trường.
Tổ chức Hàng hải Quốc tế (IMO – International Maritime Organization) đã đưa ra các biện pháp nhằm giảm tác động có hại của việc sử dụng nhiên liệu chứa nhiều lưu huỳnh đến môi trường. Theo quy định, giới hạn áp dụng trên toàn cầu đối với hàm lượng lưu huỳnh trên tàu là 0.5% về khối lượng và thực hiện từ ngày 1/1/2020.
Tại Việt Nam, căn cứ vào Công văn 2008/TCHQ-TXNK được ban hành bởi Tổng cục hải quan, phụ phí LSS là phí phải chi trả khi phương tiện có đi qua khu vực áp dụng biện pháp kiểm soát khí thải của các phương tiện vận tải. Phí LSS sẽ được cộng vào trị giá hải quan của hàng hóa nhập khẩu nếu phí này chưa có trong giá thực tế thanh toán của hàng hóa nhập khẩu.
Phụ phí LSS bên nào phải trả?
Pháp luật hay quy định của Tổ chức Hàng hải Quốc tế không quy định rõ ràng về trách nhiệm của bên chi trả phụ phí LSS. Điều này sẽ hoàn toàn phụ thuộc vào sự thỏa thuận trong hợp đồng giữa hai bên doanh nghiệp xuất khẩu và nhập khẩu.
Do vậy, khi soạn thảo và ký kết hợp đồng, thông tin đơn vị thanh toán phí LSS cần được thể hiện rõ. Đây là cơ sở pháp lý để xác định đối tượng trả phí LSS trước hải quan và các cơ quan liên quan.
Tìm hiểu thêm: Phí địa phương là gì?
Mức thu phí LSS là bao nhiêu?
Mức phí LSS được các hãng tàu thu riêng như một loại phí trên hóa đơn hoặc được cộng dồn vào cước biển (ocean freight). Mức giá trung bình nằm trong khoảng sau:
- 25 – 35 USD/container 20’ đối với hàng khô. Container 20’ (20 feet) có kích thước bên ngoài là 6m x 2.43m x 2.59m; kích thước trong 5.9m x 2,34m x 2.38m.
- 50 – 70 USD/container 40’(40 feet) hàng khô. Container 40’ có kích thước ngoài 12m x 2.43m x 2.58m; kích thước trong 11.9m x 2.34m x 2.38m.
- Hàng lạnh các hãng tàu sẽ tính phí cao hơn.
Những biện pháp giúp đáp ứng các tiêu chí mới về LSS
Một số biện pháp được Tổ chức Hàng hải Quốc tế đưa ra nhằm giúp đáp ứng các tiêu chí mới về LSS đó là:
- Tiếp tục sử dụng dầu nhiên liệu nặng nhưng trang bị Hệ thống làm sạch khí thải EGCS – Exhaust Gas Cleaning System. EGCS là một hệ thống được thiết kế để loại bỏ các thành phần khí độc hại, chẳng hạn như oxit lưu huỳnh, từ khí thải của tàu trước khi chúng được thải vào khí quyển.
- Đầu tư vào các tàu sử dụng nhiên liệu thay thế, chẳng hạn như khí tự nhiên lỏng – LNG – liquefied natural gas.
- Sử dụng dầu nhiên liệu có hàm lượng lưu huỳnh rất thấp – VLSFO – very low sulphur fuel oil. Giới hạn hàm lượng lưu huỳnh của nhiên liệu VLSFO ít hơn 0.5% về khối lượng.
Phí LSS có cần kê khai trong trị giá tính thuế không?
Về việc kê khai phí LSS trong trị giá tính thuế, pháp luật Việt Nam có những văn bản quy định cụ thể như sau:
- Căn cứ Thông tư 39/2015/TT-BTC ngày 25/3/2015, Thông tư số 60/2019/TT-BTC ngày 30/8/2019 được ban hành bởi Bộ Tài chính và Công văn số 2008/TCHQ-TXNK ngày 27/3/2020 được ban hành bởi Tổng cục hải quan: phụ phí LSS là khoản phải cộng vào trị giá tính thuế trong trường hợp đơn vị nhập khẩu phải thanh toán phí này với hãng tàu.
- Căn cứ theo Công văn 969/HQHCM-TXNK ngày 17/04/2020, nếu hãng tàu không thu phụ phí LSS thì doanh nghiệp không cần kê khai.
Hàng xuất khẩu/nhập khẩu nước nào bị thu LSS? Tại sao lúc có lúc không?
Hầu hết các tuyến vận chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu đều được hãng tàu áp phí LSS. Tùy theo tuyến đường vận chuyển dài hay ngắn mà mức phí LSS sẽ có dao động nhẹ.
Khi đơn vị nhận hàng nhận hóa đơn từ hãng tàu nhưng không có thông tin về phí LSS thì có nghĩa là phí này đã được cộng dồn vào cước tàu (ocean freight) hoặc phụ phí điều chỉnh giá nhiên liệu xăng dầu (BAF – Bunker Adjustment Factor).
Bài viết đã cung cấp cho bạn đọc khái niệm về phụ phí LSS là gì? Số tiền cần trả, cách kê khai và đơn vị đứng ra chi trả cho khoản phí này. Bên cạnh đó, những biện pháp để đáp ứng những tiêu chí trong LSS cũng được đưa ra để doanh nghiệp có thể lựa chọn thực hiện. Hy vọng những chia sẻ ở trên sẽ giúp bạn đọc hiểu thêm về phí LSS trong hoạt động vận chuyển quốc tế.
Nội dung này có hữu ích với bạn không?
Bấm vào một ngôi sao để đánh giá nó!
Đánh giá trung bình / 5. Số đánh giá:
Không có phiếu bầu nào cho đến nay! Hãy là người đầu tiên đánh giá bài viết này.