Trong hoạt động trao đổi buôn bán và xuất nhập khẩu giữa các nước thường xuyên xuất hiện thuật ngữ hàng mậu dịch, hàng phi mậu dịch. Để bạn đọc có thể hiểu được rõ hơn về thuật ngữ và loại hàng hóa này, nội dung bài viết dưới đây sẽ chỉ ra hàng hóa mậu dịch là gì? Hàng hóa phi mậu dịch là gì? Sự khác biệt giữa hai hàng hóa và những vấn đề xung quanh hàng phi mậu dịch như thuế, thủ tục hải quan…
Hàng mậu dịch là gì?
Hàng mậu dịch là gì? Hàng mậu dịch là những loại hàng hóa xuất nhập khẩu có hợp đồng và giấy tờ cần thiết khi mua bán, số lượng và giá trị hàng xuất nhập khẩu trong một năm không bị giới hạn.
Theo Điều 1 Nghị định 8/HĐBT quy định tất cả những loại hàng hóa dưới đây khi xuất hoặc nhập khẩu qua biên giới của Việt Nam đều phải trả thuế xuất hoặc nhập khẩu cho hàng hóa mậu dịch:
- Hàng hóa trao đổi buôn bán của các đơn vị kinh doanh tại Việt Nam thanh toán bằng nguồn vốn tự có; được phân bổ từ vốn Chính phủ vay nợ của nước ngoài; vốn vay ngân hàng.
- Hàng hóa của đơn vị nước ngoài đã được phép kinh doanh trực tiếp tại thị trường Việt Nam.
- Hàng hóa xuất nhập khẩu của các đơn vị có vốn đầu tư của nước ngoài tại Việt Nam.
- Hàng hóa xuất, nhập khẩu trên cơ sở hợp tác kinh doanh hoặc lập hợp đồng giữa Việt Nam và nước ngoài.
Hàng phi mậu dịch là gì?
Khái niệm về loại hàng phi mậu dịch là gì?
Hàng hóa xuất nhập khẩu phi mậu dịch được định nghĩa là những loại hàng hóa xuất nhập khẩu không mang mục đích thương mại, không thuộc danh mục những loại mặt hàng cấm theo Giấy phép của cơ quan quản lý chuyên ngành.
Trường hợp hàng hoá xếp vào danh sách hàng phi mậu dịch
Dựa theo Điều 69 Thông tư 128/2013/TT-BTC, danh sách những hàng hóa xuất nhập khẩu không nhằm mục đích thương mại (hàng hóa phi mậu dịch) gồm:
- Quà biếu tặng của đơn vị ở nước ngoài gửi cho đơn vị tại Việt Nam và ngược lại là từ đơn vị Việt Nam gửi cho đơn vị nước ngoài.
- Hàng hóa được gửi từ cơ quan đại diện ngoại giao hoặc tổ chức quốc tế tại Việt Nam và những người đang trong quá trình làm việc tại các cơ quan, tổ chức này.
- Hàng hóa với mục đích viện trợ nhân đạo.
- Những hàng hóa tạm nhập, xuất khẩu của những đơn vị được Nhà nước Việt Nam miễn thuế.
- Hàng mẫu, hàng dùng thử không thanh toán.
- Dụng cụ lao động, phương tiện làm việc tạm xuất, nhập khẩu có thời hạn quy định rõ ràng của cơ quan, tổ chức, của người xuất nhập cảnh.
- Tài sản di chuyển của đơn vị.
- Hành lý cá nhân của những người nhập cảnh gửi theo vận đơn, hàng hóa theo người của người nhập cảnh vượt quá tiêu chuẩn miễn thuế.
- Những hàng hóa phi mậu dịch được xác nhận khác.
Một số câu hỏi có liên quan đến hàng phi mậu dịch
Hàng phi mậu dịch có được hưởng khấu trừ thuế GTGT không?
Căn cứ tại Điều 10 Thông tư 26/2015/TT-BTC đã sửa đổi và bổ sung cho Điều 15 Thông tư 219/2013/TT-BTC về điều kiện để được hưởng khấu trừ thuế giá trị gia tăng đầu vào như sau:
- Hàng hóa, dịch vụ mua vào có hóa đơn thuế GTGT hợp pháp hoặc
- Có chứng từ nộp thuế GTGT cho hoạt động nhập khẩu hoặc
- Chứng từ nộp thuế GTGT thay cho đơn vị nước ngoài theo hướng dẫn của Bộ Tài chính.
- Có chứng từ thanh toán không sử dụng tiền mặt khi mua hàng hóa, dịch vụ từ 20,000,000 VND trở lên trừ trường hợp nhập hàng chia thành nhiều lần, giá trị hàng hóa dịch vụ nhập khẩu cho từng lần có giá trị dưới 20,000,000 VND theo giá đã tính thuế GTGT.
- Đơn vị kinh doanh nhập khẩu hàng hóa là quà biếu, quà tặng của đơn vị ở nước ngoài.
Như vậy, sau thời điểm ngày 01/01/2015 thì hàng hóa phi mậu dịch được hưởng chính sách khấu trừ thuế GTGT đầu vào nếu đáp ứng đủ những điều kiện dưới đây:
- Có chứng từ khai nhập khẩu hàng hóa phi mậu dịch.
- Có giấy chứng nhận nộp thuế GTGT đầu vào khâu nhập khẩu hợp pháp.
- Có chứng từ để chứng minh hàng hóa là hàng phi mậu dịch.
- Các chứng từ liên quan khác đến hàng hóa phi mậu dịch.
Loại hình xuất khẩu và nhập khẩu hàng phi mậu dịch
Căn cứ vào Phần I: MÃ LOẠI HÌNH XUẤT KHẨU thuộc BẢNG MÃ LOẠI HÌNH VÀ HƯỚNG DẪN SỬ DỤNG – văn bản kèm theo của Quyết định 1357/QĐ-TCHQ đã chỉ ra loại hình xuất khẩu hàng phi mậu dịch có mã LH là H21: Xuất khẩu hàng khác
Cũng tại văn bản đó, căn cứ bảng II. MÃ LOẠI HÌNH NHẬP KHẨU có thể xác định loại hình nhập khẩu hàng phi mậu dịch có mã LH là H11: Hàng nhập khẩu khác
Hình thức thanh toán hàng phi mậu dịch
Căn cứ vào Thông tư 128/2013/TT-BTC quy định về:
- Thủ tục hải quan
- Kiểm tra, giám sát hải quan đối với những hàng hóa xuất nhập khẩu và quá cảnh.
- Phương tiện dùng cho hoạt động vận tải xuất nhập cảnh.
- Quy định về thuế cho hoạt động xuất nhập khẩu.
- Quản lý thuế đối với loại hàng hoá xuất nhập khẩu.
Thông tư không quy định về hình thức thanh toán hàng phi mậu dịch. Do vậy, người nộp thuế có thể sử dụng hình thức nộp thuế thanh toán bằng tiền mặt hoặc nộp qua ngân hàng.
Điều 19 Thông tư 128/2013/TT-BTC quy định về đồng tiền nộp thuế như sau:
- Thuế đối với hàng hóa xuất nhập khẩu được nộp bằng tiền Việt Nam.
- Nếu nộp bằng ngoại tệ thì người nộp phải nộp bằng ngoại tệ tự do chuyển đổi theo quy định của Việt Nam.
Tiền tệ tự do chuyển đổi của Việt Nam là những tiền tệ mà nước ta cho phép bất cứ ai có thu nhập bằng loại tiền tệ này đều có quyền yêu cầu Ngân hàng Việt Nam chuyển đổi tự do sang tiền tệ nước khác mà không cần có giấy phép.
Địa điểm nào hỗ trợ thực hiện các thủ tục xuất nhập khẩu phi mậu dịch?
Căn cứ Khoản 1 Điều 19 Thông tư 38/2015/TT-BTC quy định về địa điểm đăng ký tờ khai hải quan như sau:
Địa điểm đăng ký tờ khai hải quan cho hoạt động xuất khẩu hàng hóa:
- Chi cục Hải quan nơi doanh nghiệp đặt trụ sở hoặc cơ sở sản xuất.
- Chi cục Hải quan nơi hàng hóa xuất khẩu được tập kết.
- Chi cục Hải quan cửa khẩu thực hiện xuất hàng.
Địa điểm đăng ký tờ khai hải quan cho hoạt động nhập khẩu hàng hóa:
- Trụ sở Chi cục Hải quan cửa khẩu quản lý địa điểm lưu giữ hàng, cảng đích được ghi trên hợp đồng vận chuyển hoặc vận tải đơn.
- Chi cục Hải quan ngoài cửa khẩu nơi doanh nghiệp đặt trụ sở hoặc nơi hàng hóa được chuyển tới.
Quy trình hoàn thiện thủ tục hải quan đối với hàng hóa phi mậu dịch
Bước 1: Tiếp nhận, kiểm tra thông tin trong hồ sơ và đăng ký tờ khai hải quan
Theo Điều 71, Thông tư 128/2013/TT-BTC, hồ sơ hải quan đối với hàng nhập khẩu phi mậu dịch gồm:
- Tờ khai hàng hóa xuất nhập khẩu phi mậu dịch: 02 bản chính.
- Vận đơn trừ trường hợp hàng hóa quy định tài điểm 8, Điều 69 Thông tư 128/2013/TT-BTC: 1 bản chụp.
- Văn bản ủy quyền (nếu được ủy quyền khai báo hải quan) hợp pháp quy định tại Khoản 3, điều 70 Thông tư 128/2013/TT-BTC: 1 bản chính.
- Tờ khai xác nhận viện trợ nhân đạo (đối với hàng viện trợ nhân đạo) được cấp bởi cơ quan có thẩm quyền: 1 bản chính.
- Văn bản được cấp bởi cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép chuyển tài sản từ nước ngoài vào Việt Nam: 1 bản chụp.
- Giấy thông báo hoặc quyết định hoặc thoả thuận hàng hóa biếu, tặng: 1 bản chụp.
- Giấy tờ khác theo quy định cho từng trường hợp.
Theo Điều 72, Thông tư 128/2013/TT-BTC, hồ sơ hải quan đối với hàng xuất khẩu phi mậu dịch gồm:
- Tờ khai hàng hóa xuất nhập khẩu phi mậu dịch: 02 bản chính.
- Văn bản uỷ quyền nếu thực hiện ủy quyền người khác: 1 bản chính.
Ngoài những giấy tờ trên, tuỳ theo hình thức xuất khẩu phi mậu dịch, người làm thủ tục hải quan cần nộp các giấy tờ sau:
- Văn bản cho phép xuất khẩu viện trợ nhân đạo: 1 bản chính.
- Tờ khai xác nhận viện trợ nhân đạo hợp pháp: 01 bản chính.
- Văn bản chứng từ xác nhận định cư ở nước ngoài hợp pháp của cơ quan nhà nước có thẩm quyền: 1 bản sao có công chứng.
- Văn bản chứng từ của cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép di chuyển tài sản của đơn vị ra nước ngoài: 1 bản sao có công chứng.
- Giấy phép xuất khẩu hàng hóa: 1 bản chính
- Giấy tờ khác theo từng trường hợp cụ thể pháp luật quy định.
Bước 2: Kiểm tra hàng hóa và so sánh với kết quả của hoạt động kiểm tra thực tế
Hàng hóa phi mậu dịch xuất nhập khẩu đều được kiểm tra thực tế hàng hóa. Hình thức và mức độ kiểm tra sẽ do người Lãnh đạo chi cục Hải quan ban bố theo quy định hướng dẫn tại Điều 29 Nghị định 08/2015/NĐ-CP.
Bước 3: Tính toán, thống nhất về tiền thuế và lệ phí hải quan
Căn cứ vào Điều 4 Quyết định 258/TCHQ-GSQL, bước 3 và bước 4 được thực hiện như sau:
Dựa vào kết quả kiểm tra thực tế hàng hoá để xác định áp giá và áp thuế suất chính xác. Từ đó sẽ tính toán và thông báo thuế cho chủ hàng. Những nội dung nào chưa rõ, chưa thống nhất giữa các cán bộ kiểm tra hàng hóa thực tế và cán bộ tính thuế thì tiến hành bàn bạc thống nhất trong nội bộ hải quan. Tuyệt đối không được thống nhất với chủ hàng.
Sau khi hoàn thiện thông báo thuế thì chuyển hồ sơ kèm với bản thông báo thuế cho bộ phận kiểm tra, phúc tập.
Bước 4: Hoàn thiện thủ tục bằng việc phúc tập hồ sơ
Việc kiểm tra, phúc tập để kết thúc thủ tục hải quan được thực hiện do một bộ phận riêng. Nếu cửa khẩu thì sẽ do Trưởng (Phó) hải quan cửa khẩu thực hiện. Nếu ở hải quan cấp cơ sở (tỉnh, thành phố) sẽ do Trưởng (Phó) Phòng kiểm tra, thu thuế xuất nhập khẩu thực hiện.
Các công việc cần làm:
- Tiếp nhận 2 bộ hồ sơ được chuyển lên từ bước 1 đến bước 3.
- Kiểm tra các bước nghiệp vụ số 1, 2, 3. Nếu đúng quy trình, hợp pháp thì yêu cầu chủ hàng ký thông báo thuế và trả hồ sơ kèm thông báo thuế. Nếu phát hiện sai sót thì yêu cầu khắc phục những sai sót đó.
- Giải quyết vướng mắc của chủ hàng về thuế.
- Đóng dấu “Đã phúc tập” cho hồ sơ, ký, ghi rõ tên người phúc tập và đưa vào lưu trữ.
Người khai hải quan cho hàng hóa phi mậu dịch
Căn cứ Điều 5 Nghị định 08/2015/NĐ-CP quy định người khai hải quan là:
- Chủ hàng hóa xuất nhập khẩu hoặc người được chủ hàng ủy quyền.
- Chủ phương tiện, người điều khiển phương tiện hoặc người được họ ủy quyền.
- Đại lý cung cấp dịch vụ hải quan.
- Doanh nghiệp cung cấp dịch vụ bưu chính hoặc chuyển phát nhanh quốc tế.
Những điểm lưu ý khi nhập khẩu hàng phi mậu dịch
Một số lưu ý khi nhập khẩu hàng phi mậu dịch:
- Hàng phi mậu dịch cũng cần đóng thuế nhập khẩu. Một số trường hợp miễn thuế nhập khẩu cho hàng phi mậu dịch được quy định tại Điều 5, Điều 8, Điều 107 Nghị định 34/2016/NĐ-CP.
- Thuế GTGT đầu vào từ thời điểm ngày 01/01/2015 được phép tính theo phương pháp khấu trừ.
- Hàng hóa phi mậu dịch đều phải tiến hành kiểm tra thực tế hàng hóa nhưng không cần kiểm tra chuyên ngành, gửi mẫu đi kiểm tra hay làm chứng nhận chuẩn hợp quy hoặc công bố sản phẩm.
Khác nhau giữa hàng hóa mậu dịch và phi mậu dịch
Sự giống nhau giữa hàng mậu dịch và phi mậu dịch
Hai loại hàng hóa trên có hai điểm chung đó là:
Thứ nhất, cả hai loại hàng hóa đều phải thực hiện đóng phí GTGT cho nhà nước và các khoản phí khác theo quy định.
Thứ hai, cả hai loại đều phải kèm theo hóa đơn GTGT để cơ quan tổ chức có thể kiểm soát giá trị, kiểm định tính chính xác. Việc này để tránh việc vận chuyển phi pháp những hàng hóa mậu dịch hay phi mậu dịch.
Sự khác nhau giữa hàng mậu dịch và phi mậu dịch
Tiêu chí | Mậu dịch | Phi mậu dịch |
Mục đích | Dùng cho hoạt động mua bán, kinh doanh, sản xuất | Biếu tặng, viện trợ, không được phép mua bán, trao đổi với mục đích thương mại |
Thuế xuất nhập khẩu | Phải đóng thuế | Được miễn thuế theo một số trường hợp theo quy định |
Kiểm tra hàng hóa | Thực hiện kiểm tra theo phân luồng: luồng xanh, vàng và đỏ. | Kiểm tra thực tế hàng hóa |
Kiểm tra chuyên ngành | Phải gửi mẫu đi kiểm tra | Không cần gửi mẫu kiểm tra |
Thời gian thông quan | Mất nhiều thời gian | Nhanh hơn so với hàng mậu dịch |
Bài viết đã phân tích chi tiết về những loại hàng hóa mậu dịch, hàng hóa phi mậu dịch, quy trình thực hiện thủ tục hải quan, hồ sơ hải quan và những thông tin liên quan đến hàng hóa phi mậu dịch. Mong rằng với những thông tin trên, bạn đọc sẽ nắm chắc hơn về quy định của Việt Nam về loại hàng hóa này.
Nội dung này có hữu ích với bạn không?
Bấm vào một ngôi sao để đánh giá nó!
Đánh giá trung bình / 5. Số đánh giá:
Không có phiếu bầu nào cho đến nay! Hãy là người đầu tiên đánh giá bài viết này.