MSDS là tài liệu kỹ thuật cung cấp thông tin về các biện pháp an toàn cần thực hiện khi vận chuyển và tiếp xúc với hàng hoá được vận chuyển. MSDS bao gồm thông tin về thành phần, đặc tính lý hóa, các mối nguy tiềm ẩn liên quan đến sức khỏe, hỏa hoạn, phản ứng, tình trạng khẩn cấp, các vấn đề môi trường của hàng hoá đó.
MSDS là viết tắt của từ gì?
MSDS là viết tắt của Material Safety Data Sheet, tức “bảng chỉ dẫn an toàn hóa chất“.
Thông tin trong MSDS xoay quanh 3 vấn đề chính đó là:
- Ảnh hưởng của hóa chất được vận chuyển đến sức khỏe con người trong quá trình tiếp xúc.
- Nguy hại của hóa chất trong quá trình vận chuyển, sử dụng và lưu trữ.
- Phương thức sơ cứu, cấp cứu cho nạn nhân trong tình trạng khẩn cấp.
Nội dung của MSDS:
Nội dung của MSDS được xác định gồm các mục sau:
Mục 1: Phân loại hóa chất và thông tin của nhà cung cấp
Việc phân loại hóa chất phải tuân theo 1 trong những mã sau:
- Mã GHS – Globally Harmonized System: Hệ thống mã phân loại hàng hóa (mã HS) toàn cầu hoặc
- Mã số CAS – Chemical Abstracts Service: Chuỗi số định danh duy nhất cho từng chất hoặc hợp chất hóa học hoặc
- Số đăng ký EC: European Community: Mã định danh duy nhất có 7 chữ số được Ủy ban Châu Âu chỉ định sử dụng cho các chất nhằm mục đích quản lý trong Liên minh Châu Âu.
Ngoài ra, MSDS cần có thông tin của đơn vị xuất khẩu, nhà cung cấp như tên doanh nghiệp, địa chỉ trụ sở, số điện thoại liên hệ trong trường hợp khẩn cấp.
Mục 2: Nhận dạng những đặc tính nguy hiểm của hóa chất
Nội dung này được thể hiện cho từng loại hóa chất theo mã GHS hoặc mã số sản phẩm theo quy định có sẵn của từng quốc gia, khu vực hoặc tổ chức. Các thông tin cần thể hiện như cảnh báo nguy hiểm, thông tin nguy hại, hướng dẫn bảo quản, sử dụng… hóa chất.
Mục 3: Thông tin về thành phần của hóa chất
Với đơn chất cần có thông tin tên gọi hóa học theo danh pháp IUPAC (danh pháp Hóa học của một chất theo Liên minh Quốc tế về Hóa học thuần túy và Hóa học ứng dụng) tên thông thường, tên thương mại, tạp chất.
Với hợp chất cần có thông tin về tên gọi hóa học theo danh pháp IUPAC, tên thông thường, tên thương mại, nồng độ phần trăm, nồng độ mol.
Mục 4: Tính chất vật lý và hóa học (đặc tính lý – hóa)
- Tính chất vật lý: thông tin về trạng thái tồn tại, nhiệt độ nóng chảy, nhiệt độ sôi, màu sắc, mùi vị đặc trưng, áp suất hóa hơi, tỷ trọng hơi, giới hạn nổ trên và nổ dưới, độ hoàn tan trong nước, độ pH, khối lượng riêng, độ dẻo, độ cứng và những tính chất vật lý khác.
- Tính chất hóa học: khả năng bốc cháy trong không khí, phản ứng trong môi trường tự nhiên, phản ứng với các chất như nước, dung dịch kiềm, axit và muối, kim loại, phi kim…
Mục 5: Độ ổn định và khả năng hoạt động
Khả năng phản ứng trong môi trường tự nhiên, phản ứng nguy hiểm, tính ổn định, những vật liệu hóa chất không tương thích…
Mục 6: Thông tin độc tính của hoá chất
- Mô tả các tác hại của hóa chất đến niêm mạc và các bộ phận của con người;
- Mô tả tác động của hóa chất đến sinh thái trong thời gian tiếp xúc ngắn và dài.
- Thể hiện thông số độc tính của hóa chất.
Mục 7: Thông tin về ảnh hưởng sinh thái của hoá chất
Mô tả thời gian phân hủy trong tự nhiên; mức độ tích lũy lắng đọng của hóa chất trong môi trường.
Mục 8: Biện pháp sơ cứu về y tế khi xảy ra sự cố
- Mô tả các biện pháp sơ cứu trong trường hợp tiếp xúc với niêm mạc, da, quần áo.
- Những triệu chứng, tác hại tức thì và cả ảnh hưởng đến sau này.
- Chỉ dẫn cấp cứu đặc biệt nếu cần thiết.
Mục 9: Cách xử lý khi có hỏa hoạn
- Các phương tiện chữa cháy phù hợp.
- Các chất độc được tạo thành trong phản ứng cháy.
- Phương tiện, trang phục bảo hộ và những cảnh báo đến người khác khi chữa cháy.
Mục 10: Biện pháp phòng ngừa và ứng phó khi có sự cố
- Trang thiết bị bảo hộ.
- Quy trình ứng phó sự cố.
- Các cảnh báo về môi trường khi có sự cố.
- Biện pháp xử lý vật liệu sinh ra sau khi xảy ra sự cố.
Mục 11: Yêu cầu về sử dụng và bảo quản hoá chất
- Biện pháp và điều kiện cần áp dụng khi sử dụng hoặc có thao tác tiếp xúc với hóa chất
- Biện pháp và điều kiện cần áp dụng khi thực hiện bảo quản hóa chất.
Mục 12: Kiểm soát tiếp xúc với hóa chất và yêu cầu về thiết bị bảo hộ
- Đưa ra thông số về ngưỡng giới hạn tiếp xúc như: nồng độ có thể tiếp xúc, thời gian tiếp xúc…
- Các dụng cụ bảo hộ cá nhân: kính, quần áo bảo hộ, găng tay… khi tiếp xúc.
Mục 13: Yêu cầu trong quá trình thải bỏ
- Mô tả các chất thải sau khi sử dụng.
- Cách xử lý chất thải an toàn.
- Biện pháp thải bỏ cho phần bao bì nhiễm độc hoặc hóa chất.
Mục 14: Yêu cầu trong quá trình vận chuyển
Trong quá trình vận chuyển phải cung cấp những thông tin sau:
- Tên phương tiện vận chuyển.
- Nhóm hóa chất nguy hiểm trong vận chuyển
- Quy cách đóng gói
Mục 15: Quy định về pháp luật cần tuân thủ
Thể hiện quy định pháp luật về sử dụng hóa chất an toàn đối với sức khỏe con người và môi trường.
Mẫu MSDS năm 2022
– Hiện nay pháp luật nước Việt Nam chưa quy định về mẫu MSDS thống nhất.
Do đó, các đơn vị có thể cung cấp mẫu MSDS khác nhau phù hợp với hoạt động kinh doanh của mình và chỉ cần đảm bảo đầy đủ nội dung như trên.
Để làm được bộ MSDS, doanh nghiệp cần có hiểu biết đầy đủ và toàn diện về hóa chất. Mỗi doanh nghiệp nên có bộ phận kỹ sư hóa chất hoặc thuê kỹ sư hóa chất ngoài để tham gia lập MSDS. Doanh nghiệp cũng có thể tham khảo sử dụng nguồn MSDS của các công ty khác trong quá trình lập cho riêng mình.
Chứng nhận MSDS phải có đầy đủ 15 nội dung như liệt kê ở phần nội dung, có ký tên, đóng dấu. Doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản MSDS thuộc sở hữu của mình.
Ai là người làm MSDS và trách nhiệm các bên liên quan
Trong giao dịch mua bán quốc tế, đơn vị xuất khẩu, đơn vị gửi hàng (shipper) sẽ xây dựng và cung cấp giấy MSDS cho:
- Đơn vị vận chuyển
- Doanh nghiệp nhập khẩu
- Công ty sản xuất
- Nhà phân phối
Các bên liên quan gồm: đơn vị xuất khẩu, đơn vị nhập khẩu, đơn vị sử dụng và người lao động – sẽ có trách nhiệm như sau:
Trách nhiệm của đơn vị xuất khẩu
- Xây dựng và cung cấp MSDS phù hợp và hợp pháp cho từng loại hóa chất.
- MSDS phải được cung cấp cho các đối tượng cần thiết trước khi nhận hàng.
- Cung cấp đầy đủ thông tin được yêu cầu cho các đơn vị liên quan để thực hiện cấp cứu người trong tình trạng khẩn cấp.
Trách nhiệm của đơn vị nhập khẩu
- Đảm bảo giấy MSDS phải là bản gốc của đơn vị xuất khẩu để đảm bảo tính an toàn.
- Tuân thủ các quy định về quản lý được thể hiện trong MSDS.
- Đào tạo, huấn luyện an toàn hóa chất cho lao động.
- Cung cấp đầy đủ cơ sở vật chất, đồ bảo hộ như trong MSDS.
- Tại nơi làm việc phải có bản sao MSDS để đảm bảo người lao động có thể tiếp cận thông tin.
- Xây dựng biện pháp, kế hoạch phòng ngừa và ứng phó với hóa chất.
- Lưu trữ và cập nhật các thông tin về hóa chất kịp thời.
- Có thể thêm các điều khoản khác nhưng điều khoản có trong bản gốc phải được giữ nguyên.
Trách nhiệm của người lao động
- Theo dõi thông tin về chỉ dẫn an toàn khi tiếp xúc và sử dụng hóa chất.
- Tham gia các buổi huấn luyện về an toàn hóa chất.
- Thực hiện đúng theo những biện pháp phòng ngừa và kế hoạch hành động khi có sự cố.
- Nhớ và hiểu các mục trong MSDS để xử lý kịp thời các sự cố.
Quy định MSDS của một số quốc gia, tổ chức trên thế giới
Quy định về giấy MSDS khác nhau dựa trên quy chuẩn quốc gia của từng nước. Như Việt Nam sẽ theo Quy chuẩn Kỹ thuật Quốc gia QCVN 05: 2020/BCT. Quy định về MSDS của một số quốc gia khác là:
- Australia: WHS 2011
- Hoa Kỳ: Hazard Communication Standard (HCS) (2012)
- EU: Commission Regulation 453/2010 (2010).
- Nhật Bản: JIS Z 7253 (2012)
- Brazil: ABNT NBR 14725-4 (2012)
- Canada: Controlled Products Regulations (CPR) và Workplace Hazardous Materials Information System (WHMIS) (2008).
Mỗi quốc gia cũng sẽ có những cơ quan riêng chịu trách nhiệm cho việc kiểm soát MSDS.
Hướng dẫn tra cứu thông tin làm MSDS online
Doanh nghiệp cần tra cứu thông tin kỹ càng để tạo được bản MSDS đầy đủ, tránh sai sót nội dung. Website của Sciencelab là địa chỉ tin cậy để tìm các bản MSDS mẫu được sử dụng bởi doanh nghiệp trên toàn thế giới.
Bước 1: Truy cập vào mục MSDS của website Sciencelab tại đây.
Bước 2: Nhấn Ctrl+F để có thể tìm theo tên hóa chất. Bạn gõ tên tiếng Anh của hóa chất vào phần tìm kiếm để lọc lấy mẫu MSDS phù hợp.
Bước 3: Tải tệp PDF về và dịch sang tiếng Việt để làm mẫu tham khảo.
Trên là toàn bộ thông tin về MSDS, công dụng và cách điền nội dung của MSDS cập nhật cho năm 2022. Ngoài ra, bài viết cũng chỉ ra cách tra cứu những bản MSDS mẫu và các quy định về xây dựng bảng chỉ dẫn an toàn hóa chất tại các quốc gia trên thế giới. Mong rằng với những chia sẻ trên doanh nghiệp sẽ có được phương pháp làm bản MSDS hiệu quả, chất lượng.
Nội dung này có hữu ích với bạn không?
Bấm vào một ngôi sao để đánh giá nó!
Đánh giá trung bình / 5. Số đánh giá:
Không có phiếu bầu nào cho đến nay! Hãy là người đầu tiên đánh giá bài viết này.