Hiện nay, hình thức kinh doanh xuất nhập khẩu đã trở nên quen thuộc và góp phần thúc đẩy nền kinh tế phát triển tại Việt Nam, giúp hội nhập toàn cầu. Tuy nhiên ngoài hình thức này thì trong giao thương hàng hóa còn xuất hiện thêm hình thức tạm nhập tái xuất. Thậm chí nhiều doanh nghiệp đang định hướng hình thức này làm chủ đạo trong lĩnh vực kinh doanh của họ.
Vậy hãy cùng chúng tôi tìm hiểu ngay tại bài viết này về tạm nhập tái xuất là gì? Các hình thức tạm nhập tái xuất phổ biến hiện nay nhé.
Tạm nhập tái xuất hàng hóa là gì?
Khái niệm
Theo điều 29 của Luật Thương Mại 2005, tạm nhập tái xuất hàng hóa chính là hoạt động hàng hoá được vận chuyển từ nước ngoài hoặc từ các khu vực đặc biệt thuộc lãnh thổ Việt Nam được coi là khu vực hải quan riêng theo quy định của pháp luật vào Việt Nam. Hàng hóa đó được làm thủ tục nhập khẩu vào Việt Nam và cũng sẽ thực hiện các thủ tục xuất khẩu cho chính hàng hoá đó ra khỏi Việt Nam.
Bên cạnh khái niệm thì câu hỏi về tạm nhập tái xuất Tiếng anh là gì cũng được rất nhiều quan tâm. Trong Tiếng anh, tạm nhập tái xuất được dùng bởi cụm từ “Temporary import and re-export”. Cụm từ này được dùng khá phổ biến trong thương mại Quốc tế.
Đặc điểm của tạm nhập tái xuất
Tạm nhập tái xuất là một hình thức doanh nghiệp nhập khẩu hàng hóa về Việt Nam, mang những đặc điểm dưới đây:
- Hàng hóa này sẽ không để lưu hành và tiêu thụ tại thị trường trong nước mà sẽ tiếp tục xuất sang một nước khác nhằm mục đích để thu lợi nhuận.
- Hàng hóa không được gia công, chế biến tại địa điểm tạm nhập tái xuất.
- Hàng hóa tạm nhập tái xuất thường sẽ là những mặt hàng có cung cầu lớn và thường xuyên biến động. Và hình thức này thường được hưởng các ưu đãi về thuế quan.
- Các hàng hóa tạm nhập tái xuất thuộc trong danh mục hàng hóa cấm nhập khẩu, tạm ngừng nhập khẩu hoặc cấm xuất khẩu, tạm ngừng xuất khẩu hay thực phẩm đông lạnh, hàng có thuế tiêu thụ đặc biệt không được phép chuyển đổi từ hình thức kinh doanh tạm nhập tái xuất sang nhập khẩu để tiêu thụ nội địa.
- Các hàng hóa tạm nhập tái xuất sẽ phải chịu sự giám sát của bên Hải quan từ khâu nhập khẩu cho tới khi xuất khẩu ra khỏi Việt Nam.
Ví dụ về tạm nhập tái xuất
Dưới đây chúng tôi sẽ giúp bạn hiểu hơn về tạm nhập tái xuất là gì, cho ví dụ điển hình, cụ thể để các bạn có thể hiểu hình thức này một cách đơn giản nhất. Ví dụ như sau:
Do điều kiện về trang thiết bị máy móc, các dụng cụ y tế tại Việt Nam chưa đáp ứng đầy đủ về nhu cầu khám chữa bệnh trong nước. Vì lý do này có một số tổ chức từ nước ngoài có mong muốn giúp đỡ, hỗ trợ Việt Nam với mục đích nhân đạo và đưa các trang thiết bị y tế sang Việt Nam thì khi này sẽ xuất hiện hình thức tạm nhập tái xuất các trang thiết bị máy móc, dụng cụ y tế khám chữa bệnh của nước ngoài vào địa phận Việt Nam.
Trong trường hợp này, doanh nghiệp sẽ không yêu cầu phải có giấy phép tạm nhập tái xuất. Việt Nam được hỗ trợ, cho mượn trang thiết bị máy móc, dụng cụ y tế mà không nhằm thu lợi. Sau khi đã sử dụng xong thì Việt Nam cần phải thực hiện tái xuất trả lại cho đơn vị nước ngoài đã hỗ trợ.
Nếu trường hợp đặc biệt hàng hóa cần tạm nhập tái xuất là vũ khí, trang thiết bị quân sự, an ninh,… nhằm mục đích phục vụ cho Quốc phòng an ninh Quốc gia thì cần phải thông qua sự xem xét, phê duyệt của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an.
Các hình thức tạm nhập tái xuất hiện nay
Căn cứ theo quy định tại Nghị định số 69/2018/NĐ-CP thì có các hình thức tạm nhập tái xuất như sau:
- Tạm nhập tái xuất hoạt động theo hình thức kinh doanh
- Tạm nhập tái xuất thực hiện theo hình thức hợp đồng bảo hành, bảo dưỡng, thuê và cho mượn
- Tạm nhập tái xuất theo hình thức tái chế, bảo hành theo yêu cầu của doanh nghiệp nước ngoài
- Tạm nhập tái xuất đối với hàng hóa với mục đích trưng bày, giới thiệu, tham gia hội chợ hoặc triển lãm thương mại
- Tạm nhập tái xuất các sản phẩm vì mục đích nhân đạo hoặc các mục đích khác;
Thủ tục hải quan đối với hàng hóa tạm nhập tái xuất
Địa điểm thực hiện thủ tục:
- Địa điểm để thực hiện thủ tục hải quan là nơi cơ quan hải quan sẽ tiếp nhận, đăng ký và kiểm tra các hồ sơ hải quan cũng như kiểm tra thực tế hàng hoá tạm nhập, phương tiện vận tải.
- Địa điểm để thực hiện khai báo hải quan cho hàng hóa này là trụ sở của Cục hải quan, trụ sở Chi cục hải quan lưu giữ hàng hóa tạm nhập tái xuất.
Hồ sơ thực hiện thủ tục gồm:
- Tờ khai hải quan theo các yêu cầu thông tin quy định tại mẫu số 01 Phụ lục II ban hành kèm Thông tư 38/2015/TT-BTC do Bộ Tài Chính ban hành (sửa đổi bổ sung bởi Thông tư 39/2018/TT-BTC)
- 01 bản photo các chứng từ vận đơn trong trường hợp vận chuyển hàng hóa bằng đường hàng không, đường biển hay đường sắt
- 01 bản photo về văn bản có xác nhận của cơ quan có thẩm quyền về tổ chức hội chợ, triển lãm (trừ hoạt động tạm nhập tái xuất để giới thiệu sản phẩm)
- 01 bản chính về giấy phép nhập khẩu và văn bản thông báo kết quả kiểm tra chuyên ngành theo quy định của pháp luật có liên quan.
Thời hạn khai báo và nộp tờ khai hải quan
Căn cứ theo khoản 1 Điều 25 của Luật Hải quan 2014 thì thời hạn khai báo và nộp tờ khai hải quan quy định cụ thể như sau:
- Đối với hàng hóa xuất khẩu: khai báo và nộp tờ khai hải quan sau khi đã chuyển, tập kết hàng hóa tại điểm người khai hải quan thông báo và chậm nhất là 04 giờ trước khi phương tiện vận tải xuất cảnh. Trong trường hợp tờ khai hải quan gửi bằng vận thư chuyển phát nhanh thì chậm nhất là 02 giờ phải nộp trước khi phương tiện vận tải xuất cảnh.
- Đối với hàng hóa nhập khẩu: yêu cầu khai báo và nộp tờ khai hải quan trước ngày mà hàng hóa đến cửa khẩu hoặc trong vòng thời hạn 30 ngày kể từ ngày hàng hóa vận chuyển đến cửa khẩu.
- Đối với phương tiện vận tải hàng hóa thì thời hạn nộp tờ khai hải quan phải thực hiện theo quy định của Luật Hải quan 2014.
Sự khác nhau giữa thủ tục tạm nhập tái xuất và thủ tục hải quan thông thường
Hiện nay, thủ tục tạm nhập tái xuất hay thủ tục hải quan thông thường đều là công cụ được Nhà nước sử dụng để quản lý hành chính đối với các hàng hoá tạm nhập tái xuất trên lãnh thổ quốc gia. Bên cạnh đó, thủ tục hải quan cũng giúp phòng chống buôn lậu, gian lận trong thương mại hay vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới quốc gia.
Ngoài ra, thủ tục hải quan cũng là công cụ để thống kê số lượng hàng hóa tạm nhập, tái xuất trên lãnh thổ và góp phần thúc đẩy quá trình hợp tác thương mại, hội nhập quốc tế trên toàn cầu.
Tuy nhiên so sánh giữa thủ tục tạm nhập tái xuất và thủ tục hải quan thông thường thì cũng sẽ nhận thấy một số điểm khác nhau như sau:
Tiêu chí | Thủ tục tạm nhập tái xuất | Thủ tục hải quan thông thường |
Địa điểm thực hiện | Chi cục hải quan tại cửa khẩu tạm nhập hoặc Chi cục Hải quan nơi có triển lãm, hội chợ. | Chi cục Hải quan cửa khẩu (cảng biển quốc tế, cảng hàng không quốc tế…) hoặc tại Chi cục hải quan nơi doanh nghiệp đăng ký |
Hồ sơ, chứng từ | Tờ khai hải quan Chứng từ vận tải Văn bản có xác nhận của cơ quan có thẩm quyền về tổ chức hội chợ, triển lãm (trừ hoạt động tạm nhập tái xuất để giới thiệu sản phẩm) Giấy phép nhập khẩu, văn bản thông báo kết quả kiểm tra chuyên ngành theo quy định của pháp luật có liên quan | Hợp đồng ngoại thương Hóa đơn thương mại Phiếu đóng gói Giấy chứng nhận xuất xứ lô hàng Vận đơn Booking Các chứng từ khác theo quy định hiện hành đối với các mặt hàng đặc thù phải kiểm tra chuyên ngành. |
Thời hạn lưu hàng hóa tạm nhập tái xuất tại Việt Nam
Hàng hoá tạm nhập tái xuất sẽ được phép lưu tại Việt Nam không quá 60 ngày. Thời gian lưu hàng hóa được tính kể từ ngày hoàn thành thủ tục hải quan tạm nhập.
Trong trường hợp cần kéo dài thời gian lưu hàng hóa thì các doanh nghiệp cần phải có văn bản gửi Chi cục Hải quan nơi làm thủ tục tạm nhập tái xuất để đề nghị gia hạn. Thời gian gia hạn lưu hàng hóa mỗi lần không vượt quá 30 ngày và không quá hai lần gia hạn thời gian cho mỗi lô hàng tạm nhập tái xuất. Nếu quá thời hạn quy định trên, doanh nghiệp sẽ phải chịu các mức phạt theo quy định.
Quy định về xử phạt quá thời hạn cho hình thức tạm nhập tái xuất
Nếu doanh nghiệp vi phạm về thời hạn lưu hàng hóa tạm nhập tái xuất tại Việt Nam thì có thể phải chịu các mức xử phạt hành chính căn cứ theo Điều 6 tại Nghị định 127/2013/NĐ-CP, được sửa đổi bổ sung bởi Nghị định 45/2016/NĐ-CP như sau:
Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với hành vi không tái xuất đúng thời hạn quy định phương tiện vận tải hàng hóa của cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp qua lại khu vực cửa khẩu để thực hiện giao nhận hàng hóa.
Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi không tái xuất hàng hóa đúng thời gian đã quy định hoặc thời gian đã đăng ký với cơ quan hải quan trước đó.
Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi:
- Không tái xuất hàng hóa tạm nhập thuộc diện miễn thuế, hàng kinh doanh tạm nhập tái xuất đúng thời hạn theo quy định.
- Không tái xuất phương tiện vận tải xuất cảnh đúng thời hạn quy định, trừ phương tiện vận tải chở người dưới 24 chỗ ngồi đã quy định tại Khoản 5 Điều này và trường hợp phương tiện vận tải của cá nhân, tổ chức qua lại khu vực cửa khẩu để tiến hành giao nhận hàng hóa.
Trường hợp không tái xuất phương tiện vận tải chở người dưới 24 chỗ ngồi theo đúng thời hạn quy định, trừ trường hợp xử phạt theo Điểm d Khoản 1 và Điểm b Khoản 4 Điều này thì bị xử phạt như sau:
- Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng nếu quá thời hạn tái xuất dưới 30 ngày.
- Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với trường hợp quá thời hạn tái xuất từ 30 ngày trở lên.
Ngoài việc xử phạt hành chính sẽ tùy vào mức vi phạm mà các cơ quan có thẩm quyền sẽ áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả khi lưu hàng tạm nhập xuất cảnh quá thời hạn như: Nhắc nhở, cảnh cáo bằng văn bản; Buộc phải tái xuất hàng hóa, phương tiện vận tải tạm nhập ra khỏi Việt Nam hoặc bị tiêu hủy; Thu hồi giấy phép vận tải quốc tế; Thu hồi giấy phép liên vận của phương tiện vi phạm…
Trên đây là bài viết đã chia sẻ chi tiết các thông tin về tạm nhập tái xuất cũng như đã trả lời các câu hỏi như tạm nhập tái xuất là gì? Hàng tạm nhập tái xuất là gì? từ đó sẽ giúp các bạn có cái nhìn tổng quát nhất về hình thức này trong giao thương quốc tế. Hy vọng với những thông tin này sẽ giúp bạn có thể học hỏi và có thêm kinh nghiệm trong lĩnh vực này.
Tìm hiểu thêm: Xuất nhập khẩu là gì?
Nội dung này có hữu ích với bạn không?
Bấm vào một ngôi sao để đánh giá nó!
Đánh giá trung bình / 5. Số đánh giá:
Không có phiếu bầu nào cho đến nay! Hãy là người đầu tiên đánh giá bài viết này.