Thanh toán TT là một trong những phương thức thanh toán phổ biến trong lĩnh vực xuất nhập khẩu. Phương thức này giúp thực hiện nhanh các giao dịch, thuận tiện cho cả bên mua và bên bán trong quá trình giao thương.
Vậy thanh toán TT là gì? Quy trình thanh toán TT trong thương mại quốc tế ra sao? Hãy cùng Cargonow tìm hiểu về phương thức thanh toán này qua bài viết dưới đây nhé!
Thanh toán TT là gì?
Thanh toán TT (viết tắt của Telegraphic Transfer) là một hình thức thanh toán bằng điện chuyển tiền. Theo đó, ngân hàng sẽ thực hiện lệnh chuyển tiền bằng điện Swift/Telex cho bên xuất khẩu (bên nhận tiền) tuân theo chỉ định của bên nhập khẩu (bên trả tiền)
Các hình thức thanh toán TT hiện nay
Hình thức thanh toán T/T được chia thành 3 loại như sau:
- Thanh toán T/T advance: Bên nhập khẩu (bên trả tiền) sẽ thực hiện thanh toán một phần hoặc toàn bộ tiền đơn hàng cho bên xuất khẩu trước khi nhận được hàng. Đây là hình thức thanh toán T/T trả trước.
- Thanh toán T/T in sight: là bên nhập khẩu sẽ thanh toán bằng điện chuyển tiền cho bên xuất khẩu ngay khi nhận được hàng kèm theo bộ chứng từ có liên quan. Đây là hình thức thanh toán T/T trả ngay.
- Thanh toán T/T at X day: Bên nhập khẩu sẽ thanh toán tiền đơn hàng cho bên xuất khẩu sau một khoảng thời gian xác định theo thỏa thuận trước khi đã nhận đủ hàng và chứng từ liên quan. Đây là hình thức thanh toán T/T trả sau.
Quy trình thực hiện thanh toán T/T
Quy trình thanh toán T/T hiện nay có thể chia làm 4 bước chính bao gồm:
Bước 1: Chuyển hàng và chứng từ – bên xuất khẩu sẽ giao hàng, cung cấp các dịch vụ (nếu có) kèm theo toàn bộ chứng từ nhập khẩu cần thiết.
Bước 2: Yêu cầu ngân hàng chuyển tiền – tức bên nhập khẩu sau khi đã nhận được hàng thì sẽ tiến hành chuyển tiền kèm bộ hồ sơ chứng từ đến ngân hàng để yêu cầu chuyển tiền trả cho bên xuất khẩu.
Bước 3: Ngân hàng bên nhập khẩu thông báo cho ngân hàng bên xuất khẩu – bước này ngân hàng sẽ kiểm tra tính hợp lệ và các thông tin tài khoản bên nhập khẩu. Khi các thủ tục hợp lệ thì ngân hàng sẽ tiến hành chuyển tiền cho bên xuất khẩu. Đồng thời trả giấy báo nợ cho bên nhập khẩu.
Bước 4: Chuyển tiền – đây là bước cuối cùng, ngân hàng đại lý sẽ chuyển tiền trả và báo cáo cho bên xuất khẩu. Quy trình thanh toán T/T hoàn tất.
Trách nhiệm các bên trong hình thức thanh toán TT
Phương thức chuyển tiền T/T sẽ bao gồm 4 bên tham gia:
- Ngân hàng chuyển tiền (Remitting Bank): Đây là ngân hàng đại diện cho bên nhập khẩu để thực hiện lệnh thanh toán T/T cho bên nhập khẩu theo yêu cầu.
- Người chuyển tiền (Remitter): Là người nhập khẩu hàng hóa, có thể là cá nhân hay doanh nghiệp.
- Người thụ hưởng (Beneficiary): Là người xuất khẩu, người được trả tiền.
- Ngân hàng đại lý (Agent Bank): Ngân hàng này phục vụ cho người thụ hưởng và có mối quan hệ đại lý với ngân hàng chuyển tiền.
Ưu và nhược điểm của phương thức thanh toán TT
Ưu điểm của thanh toán TT
Trong các phương thức thanh toán quốc tế, phương thức T/T được áp dụng khá phổ biến và rộng rãi do các ưu điểm như:
- Các thủ tục khá đơn giản và dễ dàng, thời gian chuyển tiền nhanh, thuận tiện cho cả bên gửi và bên nhận.
- Phí thanh toán chuyển tiền bằng điện TT tiết kiệm hơn so với hình thức thanh toán L/C, tránh đọng vốn khi ký quỹ L/C cho bên nhập khẩu.
- Với hình thức chuyển tiền trả trước thì bên xuất khẩu sẽ có lợi hơn và tránh được những rủi ro hay thiệt hại khi bên nhập khẩu chậm thanh toán.
- Nếu thanh toán trả sau thì sẽ có lợi hơn cho bên nhập khẩu vì được nhận hàng trước, kiểm tra hàng sau đó mới thực hiện thanh toán nên tránh được thiệt hại nếu hàng hóa bị giao chậm hay kém chất lượng.
Nhược điểm của thanh toán TT
Bên cạnh những ưu điểm trên thì phương thức thanh toán T/T cũng có những nhược điểm kể tới như sau:
- Bên xuất khẩu không chuyển hàng hóa: nếu bên nhập khẩu chọn hình thức thanh toán trả trước, trả một phần hoặc toàn bộ số tiền đơn hàng cho dù chưa nhận được hàng sẽ có thể gặp những rủi ro như bên xuất khẩu chậm trễ giao hàng hoặc không chuyển hàng…làm cho bên nhập khẩu rơi vào trạng thái bị động.
- Bên xuất khẩu không nhận được tiền hoặc nhận chậm so với dự kiến: Với hình thức thanh toán trả sau thì bên xuất khẩu sẽ gặp phải một số bất lợi. Nếu bên nhập khẩu chậm trễ thanh toán (do khó khăn tài chính hoặc lý do khác) thì bên xuất khẩu sẽ chậm nhận được tiền thậm chí không nhận được tiền hàng trong khi hàng hóa đã được chuyển hết đi. Do đó, phương thức thanh toán TT đa phần sử dụng cho hợp đồng đơn hàng nhỏ, hoặc chỉ được sử dụng với những đối tác có sự tin tưởng và đã hợp tác với nhau lâu dài.
So sánh thanh toán TT và TTR
Phương pháp thanh toán TTR viết tắt của Telegraphic Transfer Reimbursement là phương thức áp dụng trong thanh toán thanh toán theo thư tín dụng. Sự khác nhau giữa T/T và TTR nằm ở điều kiện sử dụng của hai phương thức như sau:
- Thanh toán T/T là hình thức thanh toán quốc tế bằng điện chuyển tiền. Phương thức này không liên quan hay phụ thuộc tới phương thức thanh toán khác.
- TTR thuộc phương thức thanh toán L/C (thanh toán theo thư tín dụng).
- Nếu L/C cho phép sử dụng TTR: bên xuất khẩu khi xuất trình được các chứng từ hợp lệ cho ngân hàng thì sẽ nhận thông báo thanh toán ngay trong thời hạn là 36 giờ và bộ chứng từ sẽ được gửi tới cho bên nhập khẩu sau.
- Nếu L/C không cho phép TTR: bên xuất khẩu sẽ phải đợi bộ chứng từ được gửi tới ngân hàng phát hành, đồng thời phải đợi thêm 7 ngày để biết có được thanh toán hay không.
Trên đây, chúng tôi chia sẻ tới các bạn những thông tin cần thiết về hình thức thanh toán TT, quy trình và những ưu nhược điểm hình thức thanh toán này. Đây là một phương thức thanh toán nhanh chóng, tiện lợi nhưng cũng có những rủi ro cho cả bên xuất và nhập khẩu. Vì vậy, bạn cần cân nhắc cẩn thận trước khi lựa chọn phương thức thanh toán này nhé.
Tìm hiểu thêm: Phương thức nhờ thu kèm chứng từ là gì?
Nội dung này có hữu ích với bạn không?
Bấm vào một ngôi sao để đánh giá nó!
Đánh giá trung bình / 5. Số đánh giá:
Không có phiếu bầu nào cho đến nay! Hãy là người đầu tiên đánh giá bài viết này.