Cùng với sự phát triển đa chiều của nền kinh tế hiện nay, đặc biệt trong lĩnh vực đầu tư, kinh doanh thương mại thì khái niệm ủy thác đã không còn quá xa lạ. Vậy để hiểu rõ hơn ủy thác là gì cũng như các đặc điểm, nội dung, hình thức của hợp đồng ủy thác là gì, hãy cùng Cargonow tìm hiểu ngay tại bài viết dưới đây nhé!
Ủy thác là gì?
Khái niệm ủy thác
Ủy thác: là việc một cá nhân hay pháp nhân được nhận ủy thác, nhân danh người ủy thác để thực hiện một việc làm nhất định mà bên ủy thác không thể làm trực tiếp hoặc không muốn làm việc đó.
Như vậy, ủy thác thương mại chính là hoạt động trung gian thương mại, mua bán hàng hóa mà bên nhận uỷ thác sẽ thực hiện giao dịch mua bán hàng hoá trên danh nghĩa của mình nhưng phải tuân theo những điều kiện đã thoả thuận với bên uỷ thác và được hưởng khoản thù lao uỷ thác.
Bên cạnh câu hỏi về khái niệm ủy thác là gì thì hiện nay cũng rất nhiều người quan tâm tới các khái niệm như: ủy thác xuất khẩu là gì? ủy thác nhập khẩu là gì? ủy thác tư pháp là gì? Chúng tôi sẽ giải đáp từng khái niệm như sau:
- Ủy thác xuất khẩu: là việc mà doanh nghiệp kinh doanh thuê một đơn vị khác (đơn vị giao nhận vận tải Forwarder hay công ty chuyên về dịch vụ ủy thác) để thay doanh nghiệp thực hiện các hoạt động xuất khẩu hàng hóa cho bên mua tại thị trường nước ngoài. Theo đó, công ty thứ ba sẽ chịu nhiệm vụ đưa hàng hóa của doanh nghiệp ra nước ngoài cho đối tác của họ.
Việc ủy thác xuất khẩu sẽ được thực hiện dựa trên cơ sở là hợp đồng giữa các doanh nghiệp để đảm bảo tính minh bạch, rõ ràng. Hợp đồng ủy thác này phải phù hợp với quy định về hợp đồng kinh tế.
- Ủy thác nhập khẩu : là một hình thức nhờ một công ty thứ 3 chuyên về ủy thác xuất nhập khẩu để đại diện cho một doanh nghiệp thực hiện nhiệm vụ nhập khẩu các sản phẩm (hàng hóa) nào đó về cho doanh nghiệp của mình (bên ủy thác).
- Ủy thác tư pháp: đây là một hình thức yêu cầu bằng văn bản, thể hiện sự tương trợ tư pháp theo quy định của pháp pháp luật có liên quan hoặc điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên được yêu cầu bởi cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam hoặc tại nước ngoài.
Hợp đồng ủy thác thương mại là gì?
Căn cứ vào mục 3 chương V của Bộ Luật Thương mại 2005, hợp đồng ủy thác thương mại được quy định là một loại hợp đồng mà trong đó bên được ủy thác sẽ tiếp nhận một ủy nhiệm của bên ủy thác. Bên ủy thác sẽ yêu cầu bên được ủy thác thực hiện các giao dịch thương mại dưới danh nghĩa của chính mình.
Bên được ủy thác đóng vai trò gần giống như một người môi giới. Họ là một thương nhân, sẽ trực tiếp đứng ra mua hàng và giao dịch nhưng không phải mua cho chính mình. Họ sẽ hoạt động căn cứ trên một bản hợp đồng ủy thác. Tuy nhiên, bên được ủy thác sẽ dùng chính tên mình để đứng ra thực hiện ký kết một hợp đồng mua hàng, nhưng thực chất giao dịch đó là mua hàng cho bên đã ủy thác cho mình…
Hợp đồng ủy thác thương mại sẽ được lập thành dạng văn bản hoặc hình thức khác theo thỏa thuận nhưng có giá trị pháp lý như nhau và các nội dung hợp đồng không được vi phạm các quy định của pháp luật.
Hàng hóa ủy thác mua bán phải là những hàng hóa được phép lưu thông. Khi đã thực hiện ký hợp đồng ủy thác mua bán hàng hóa, bên được ủy thác không được phép ủy thác lại cho bên thứ ba, trừ trường hợp điều này được bên ủy thác chấp nhận bằng văn bản. Bên được ủy thác có thể nhận ủy thác mua bán hàng hóa của nhiều bên ủy thác khác nhau.
Nội dung của hợp đồng ủy thác thương mại
Trong một bản hợp đồng ủy thác thương mại cần phải có những nội dung bắt buộc như sau:
- Các thông tin của người ủy thác và người được nhận ủy thác: họ tên, địa chỉ…
- Nội dung về công việc ủy thác thương mại như hàng hóa, đơn vị tính, số lượng, quy cách, đơn giá…
- Mức thù lao ủy thác: chi phí thù lao, phương thức thanh toán thù lao, điều khoản trách nhiệm nếu chậm thanh toán…
- Các quyền và nghĩa vụ của người nhận ủy thác phải thực hiện và nhận được
- Các quyền và nghĩa vụ của người ủy thác phải thực hiện và nhận được
- Điều khoản về chấm dứt cũng như thanh lý hợp đồng ủy thác mua bán hàng hóa
- Nội dung về giải quyết các vấn đề nếu có xảy ra tranh chấp giữa bên được ủy thác và bên ủy thác
- Thời hạn có hiệu lực của hợp đồng ủy thác thương mại
- Nội dung hợp đồng thương mại có thể hiện về điều khoản thỏa thuận các mức phạt nếu các bên vi phạm hợp đồng
- Các điều khoản khác do các bên thỏa thuận và không vi phạm các quy định của pháp luật Việt Nam.
Bên cạnh những nội dung trên thì để hợp đồng ủy thác thương mại có hiệu lực thì cần phải đảm bảo những điều kiện sau:
- Chủ thể thực hiện hợp đồng ủy thác thương mại là pháp nhân với pháp nhân, cá nhân với pháp nhân có năng lực về pháp luật dân sự và năng lực hành vi dân sự phù hợp. Theo quy định của Luật Thương mại, thương nhân sẽ bao gồm các tổ chức kinh tế được thành lập và hoạt động hợp pháp, là các cá nhân có đăng ký giấy phép kinh doanh và hoạt động thương mại một cách độc lập, thường xuyên.
- Các chủ thể tham gia giao kết hợp đồng ủy thác thương mại trên tinh thần, cơ sở tự nguyện, bình đẳng, tự do, thiện chí, trung thực và không lừa dối.
- Các mục đích và nội dung trong hợp đồng ủy thác không được vi phạm những điều cấm của luật pháp, không trái với đạo đức xã hội…
Quyền và nghĩa vụ của bên nhận ủy thác
Nghĩa vụ của bên nhận ủy thác
Căn cứ vào Điều 165 của Luật Thương mại 2005 quy định về nghĩa vụ của bên nhận ủy thác trong hợp đồng ủy thác thương mại trừ trường hợp có thỏa thuận khác bao gồm:
- Thực hiện việc mua bán hàng hóa theo đúng thỏa thuận có trong hợp đồng ủy thác thương mại như: số lượng, chất lượng, quy cách và giá cả của hàng hóa được ủy thác mua hoặc bán … tránh gây ra những thiệt hại phát sinh.
Người nhận ủy thác có thể ký hợp đồng mua bán hàng hóa với bên thứ ba và phải tự mình thực hiện hợp đồng ủy thác thương mại đã ký, tuyệt đối không được ủy thác lại cho bên thứ ba thực hiện hợp đồng, trừ trường hợp nếu có sự đồng ý, chấp thuận bằng văn bản của bên ủy thác (căn cứ theo Điều 160 Luật Thương mại 2005).
- Bên được ủy thác có nghĩa vụ thông báo cho bên ủy thác về các vấn đề có liên quan đến việc thực hiện hợp đồng ủy thác thương mại như những biến động trên thị trường, việc thực hiện hợp đồng mua bán với bên thứ 3, các yêu cầu cụ thể của bên thứ 3 đưa ra…
- Tuân thủ và thực hiện các hướng dẫn của bên ủy thác phù hợp với thỏa thuận. Khi nhận những chỉ dẫn cụ thể từ bên ủy thác, bên nhận ủy thác phải nghiêm chỉnh thực hiện, trừ trường hợp những chỉ dẫn đó là vi phạm quy định của pháp luật hoặc không phù hợp với điều kiện hợp đồng ủy thác.
Bên cạnh đó, bên nhận ủy thác cũng có thể không thực hiện hướng dẫn của bên ủy thác nếu chỉ dẫn đó có khả năng dẫn đến việc gây thiệt hại cho bên ủy thác.
- Bên nhận ủy thác phải bảo quản những tài liệu, tài sản mà bên ủy thác giao cho để thực hiện công việc ủy thác. Bên nhận ủy thác phải chịu trách nhiệm trước bên ủy thác nếu có sự hư hỏng, mất mát tài sản, tài liệu mà bên ủy thác đã giao trừ trường hợp có thể chứng minh được những hư hỏng, mất mát đó xảy ra không do lỗi của họ.
- Thực hiện việc thanh toán tiền hàng lại (nếu được giao bán hàng), giao hàng mua được (nếu được giao mua hàng) cho bên ủy thác theo đúng thỏa thuận trong hợp đồng ủy thác thương mại.
- Tuyệt đối giữ bí mật các thông tin có liên quan đến việc thực hiện hợp đồng ủy thác thương mại.
- Bên nhận ủy thác sẽ liên đới chịu trách nhiệm về hành vi trái pháp luật của bên ủy thác nếu nguyên nhân hành vi đó có một phần do lỗi của bên nhận ủy thác gây ra.
Quyền của bên nhận ủy thác
- Yêu cầu bên ủy thác cung cấp đầy đủ các thông tin, tài liệu cần thiết cho việc thực hiện hợp đồng ủy thác thương mại.
- Được hưởng thù lao ủy thác và các chi phí hợp lý khác theo hợp đồng ủy thác.
- Không phải chịu trách nhiệm về hàng hóa khi đã bàn giao cho bên ủy thác đúng theo thỏa thuận.
Quyền và nghĩa vụ của bên ủy thác
Quyền của bên ủy thác
- Yêu cầu bên nhận uỷ thác thông báo đầy đủ các vấn đề liên quan trong quá trình thực hiện hợp đồng uỷ thác thương mại.
- Trường hợp, bên nhận uỷ thác vi phạm pháp luật thì bên ủy thác sẽ không phải chịu trách nhiệm, trừ trường hợp bên nhận uỷ thác làm trái pháp luật mà nguyên nhân là do bên uỷ thác gây ra hoặc do các bên cố ý làm trái, vi phạm pháp luật.
Nghĩa vụ của bên ủy thác
- Cung cấp đầy đủ thông tin, tài liệu và phương tiện cần thiết để thực hiện hợp đồng uỷ thác thương mại.
- Trả các thù lao uỷ thác và chi phí hợp lý khác cho bên nhận ủy thác.
- Thực hiện giao tiền, giao hàng theo đúng thỏa thuận trong hợp đồng.
- Bên ủy thác sẽ bị liên đới chịu trách nhiệm trong trường hợp bên nhận uỷ thác vi phạm, làm trái pháp luật mà nguyên nhân do bên uỷ thác gây ra hoặc do các bên cố ý làm trái pháp luật.
Sự khác nhau giữa ủy thác và ủy quyền
Để tránh sự nhầm lẫn giữa 2 khái niệm ủy thác và ủy quyền, sau đây chúng tôi sẽ chỉ ra những điểm khác biệt để các bạn dễ dàng phân biệt được.
Tiêu chí | Ủy quyền | Ủy thác |
Căn cứ văn bản | Bộ luật Dân sự 91/2015/QH13 | Luật Thương mại 36/2005/QH11 |
Khái niệm | Là việc bên ủy quyền giao lại cho bên được ủy quyền, thay mặt sử dụng quyền hợp pháp của mình để thực hiện công việc | Là việc một cá nhân hay pháp nhận được nhận ủy thác, nhân danh người ủy thác để thực hiện một việc làm nhất định mà bên ủy thác không thể làm trực tiếp hoặc không muốn làm việc đó. |
Chủ thể thực hiện | – Cá nhân với cá nhân – Cá nhân với pháp nhân – Pháp nhân với pháp nhân | – Cá nhân với cá nhân – Cá nhân với pháp nhân |
Hình thức thực hiện | Các văn bản ủy quyền bao gồm: – Giấy ủy quyền – Hợp đồng ủy quyền – Quyết định ủy quyền | Hợp đồng ủy thác thương mại |
Nội dung văn bản | Dựa trên sự thỏa thuận của các bên ủy quyền nhưng không được trái với quy định của pháp luật | Phải ghi rõ đầy đủ các thông tin: họ tên, địa chỉ, tài khoản …nếu là pháp nhân; các phạm vi, nội dung ủy thác; quyền, nghĩa vụ trách nhiệm của các bên tham gia và do người có đủ thẩm quyền ký kết vào hợp đồng |
Chi phí thù lao | Không bắt buộc(Chỉ phải trả chi phí này nếu 02 bên đã có thỏa thuận hoặc luật pháp luật quy định về điều này) | Bắt buộc(Đây là khoản bắt buộc phải trả khi thực hiện công việc được ủy thác và có ghi rõ trong hợp đồng ủy thác thương mại) |
Ủy quyền/ Ủy thác lại | Chỉ được phép ủy quyền lại cho một người khác trong các trường hợp: – Bên ủy quyền đã đồng ý; – Do điều kiện bất khả kháng, nếu không thực hiện ủy quyền lại thì mục đích công việc, thực hiện các giao dịch vì lợi ích của người ủy quyền sẽ không thể thực hiện được. | Không được phép ủy thác lại cho bên đơn vị thứ ba trừ trường hợp có sự chấp thuận bên ủy thác bằng văn bản thông báo. |
Giới hạn trách nhiệm của các bên | – Chỉ phải chịu trách nhiệm công việc trong phạm vi được ủy quyền. – Nếu có sự thỏa thuận hoặc được sự đồng ý của bên ủy quyền thì bên được ủy quyền được phép thực hiện công việc ngoài phạm vi đã ủy quyền. | – Chỉ phải chịu trách nhiệm trong phạm vi được ủy thác quy định trong hợp đồng ủy thác thương mại. – Bên được ủy quyền sẽ phải tự chịu trách nhiệm về hành vi vượt giới hạn trách nhiệm ủy thác của mình. |
Trên đây là bài viết mà chúng tôi chia sẻ các thông tin chi tiết tới bạn đọc về ủy thác là gì, các nội dung trong hợp đồng ủy thác thương mại cũng như quyền và nghĩa vụ của các bên trong hợp đồng này. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng chỉ ra những điểm khác biệt để giúp bạn dễ dàng phân biệt ủy quyền và ủy thác. Qua bài viết này, chúng tôi hy vọng bạn sẽ hiểu hơn về loại thủ tục này và có thể áp dụng chúng.
Tìm hiểu thêm: Mẫu hợp đồng thương mại
Nội dung này có hữu ích với bạn không?
Bấm vào một ngôi sao để đánh giá nó!
Đánh giá trung bình / 5. Số đánh giá:
Không có phiếu bầu nào cho đến nay! Hãy là người đầu tiên đánh giá bài viết này.